Nếu được giao "sửa nghẽn sàn HOSE", Bkav cũng làm được, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng nói với VnEconomy như vậy khi được đặt câu hỏi xét ở góc độ công nghệ, nếu giao bài toán sửa nghẽn lệnh sàn HOSE cho Bkav thì Bkav có làm được không.
Vị Chủ tịch Bkav cho rằng, chia sẻ trên (khi được PV đặt câu hỏi) là xét về góc độ năng lực, chứ không hề có ý định cạnh tranh "sửa nghẽn sàn HOSE" với doanh nghiệp khác. Điều đó nói lên rằng năng lực trong nước là làm được.
"FPT nói sửa nghẽn lệnh sàn HOSE trong thời gian 3 tháng tôi nghĩ là hoàn toàn trong tầm tay của họ" – ông Quảng nhận định.
Bởi theo ông Quảng, ở góc độ công nghệ không quá phức tạp, vì sàn HNX đã tính toán hàng triệu lệnh rồi, đây chỉ là công việc kết nối các công ty vào hệ thống mới. "Đó cũng không phải là thiết kế hệ thống lõi trong ngành tài chính, ngân hàng, mà vấn đề nghiệp vụ thì các công ty chứng khoán đã làm, nên ở đây chỉ là vấn đề kết nối".
"Chúng tôi đang làm các sản phẩm cạnh tranh với các nước hàng đầu trên thế giới, ngay các mảng dịch vụ như chữ ký số, hóa đơn điện tử, thì không gì là không thể. Đó là năng lực tổ chức, năng lực con người", theo ông Quảng.
Ông Quảng tiếp tục cho biết, tuy không phải là người tham gia trực tiếp tham gia vào dự án trên, nhưng qua những gì theo dõi thì cảm giác mọi người đang nhìn nhận sàn Hà Nội (HNX) có sẵn nên khi chuyển sang thay thế cho HOSE sẽ rất đơn giản.
Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là các công ty chứng khoán phải kết nối được vào hệ thống đó để giao dịch, do đó vấn đề là thời gian để kết nối, tích hợp các công ty chứng khoán vào hệ thống, các bên phải thống nhất với nhau để kết nối, chứ không phải cài đặt lên phát là chạy.
Dù vậy, ở góc độ vĩ mô, ý nghĩa xa hơn, Chủ tịch Bkav cho rằng việc giao các dự án có tính hệ thống của quốc gia, ví dụ như xây dựng phát triển sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp tư nhân là cực kỳ tốt. Và doanh nghiệp tư nhân nên được tham gia làm những việc đó, vì năng lực của doanh nghiệp tư nhân bây giờ rất tốt.
"Tôi từng phát biểu doanh nghiệp Nhà nước có hạn chế là đôi khi có nhiều vị trí theo cơ chế nhiệm kỳ, rồi luân chuyển. Trong khi công ty phần mềm là phải bám đuổi nó thậm chí nhiều chục năm. Như Microsoft, Apple, Goolge… họ phải bám đuổi hàng chục năm để làm các phần mềm", ông Quảng chia sẻ.
Nên ai đó khi đang phụ trách một dự án phần mềm, nhưng ít bữa sau lại được cân nhắc luân chuyển chỗ này chỗ khác thì chắc chắn phần mềm đó sẽ không thể phát triển được. Và đặc biệt là các giải pháp phần mềm, ông Nguyễn Tử Quảng cũng cho biết không ít lần kiến nghị để công ty tư nhân làm là tốt nhất.