Đầu tháng 3 vừa qua, Cộng hòa Séc đã ban bố tình trang khẩn cấp với dịch Covid-19. Theo Trung tâm phòng ngừa và dịch bênh Châu Âu, Séc hiện có tỷ lệ lây nhiễm tính theo đầu người cao nhất ở EU. Hệ thống y tế quá tải nên Séc đã phải chuyển bệnh nhân sang các nước lân cận như Ba Lan, Đức,…để điều trị. Trong khi đó nhiều cuộc biểu tình đang nổ ra tại quốc gia này; người biểu tình mang theo biểu ngữ đòi hỏi tự do nhằm phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ.
Séc cũng là quốc gia Châu Âu có cộng đồng người Việt lớn nhất với 65.000 người. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Séc từ đầu năm đến nay số ca nhiễm trong cộng đồng người Việt tăng mạnh. Khu chợ Sapa của người Việt tại Séc gần như tê liệt.
Xuất hiện trong chương trình Podcast do VnExpress thực hiện, anh Hùng Phan, một người Việt đang sống tại Praha, Cộng hòa Séc đã không giấu khỏi nỗi lo lắng trước tình hình dịch bệnh tại đây.
"Séc là điểm nóng nhất Châu Âu, trung bình mỗi ngày có 14.000-15.000 người nhiễm trong khi dân Tiệp chỉ hơn 10 triệu người. Cộng đồng người Việt bên này rất hoang mang, vì tất cả bệnh viện đều quá tải. Những trường hợp thật nặng mới được chữa trị, còn lại là về nhà cách ly".
"Trước đây Séc cũng đã bùng phát dịch rồi nhưng lượng người nhiễm khi đó ít. Bản thân dân Tiệp ban đầu nghĩ Covid-19 chỉ như cảm cúm bình thường, vì mỗi năm cũng nhiều người chết vì cúm. Thế nên ban đầu không ai đeo khẩu trang, đi đến chỗ đông người như quán bia, bar sàn,… làm gì có ai đeo. Với người Châu Âu, đeo khẩu trang là điều gì đó bí bách, chứ không như dân mình, kể cả không dịch vẫn đeo bình thường.
Sau đợt đầu tiên, nhiều người nhiễm bệnh có kể lại trên báo chí, xong mọi người truyền tai nhau thì có vẻ họ đã biết sợ. Nhưng sợ thế thôi chứ vẫn đi biểu tình bình thường và cũng chẳng đeo khẩu trang lúc biểu tình dù dịch đang vào thời điểm bùng phát nguy hiểm. Người ta biểu tình phản đối lệnh giãn cách xã hội, vì vẫn muốn đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống", anh Hùng Phan chia sẻ.
Một gian hàng của người Việt tại khu chợ Sapa, thủ đô Praha, Séc.
Với tình hình dịch bệnh như vậy, anh xác định trước sau gì sẽ đến lượt gia đình mình, chỉ không biết đó là thời điểm nào. Dù đã giữ gìn cẩn thận hơn 1 năm trời nhưng cuối cùng, gia đình anh cũng mắc Covid-19.
"Nhà anh bị cách đây 2 tháng nhưng đi test dương tính thì người ta cũng chỉ cho về cách ly, sốt thì uống thuốc hạ sốt, đau đầu, đau người thì uống thuốc giảm đau. Hai vợ chồng anh và đứa con đều dương tính cả".
"Thằng bé bị đầu tiên. Đêm hôm trước nhà anh sang bạn chơi, người bạn hôm sau báo bị Covid thì thằng bé nhà anh đêm ấy lên cơn sốt lạnh, nằm co quắp. Đi test thì ra dương tính nhưng cũng chỉ được cho về nhà cách ly. Mẹ nó chăm nó nên 2 hôm sau mẹ nó bị, 2 hôm sau anh bị. Mặc dù biết thằng bé mắc Covid-19 nhưng sao để nó một mình được. Bên đây không như Việt Nam bảo có thể nhờ người thân giúp đỡ, chứ nhà anh có mỗi hai vợ chồng và đứa con, gặp nhiều khó khăn".
Anh Hùng Phan cũng chia sẻ lại trải nghiệm kinh hoàng khi mắc Covid-19 như sau: "2 tuần đầu kinh khủng lắm, biểu hiện ban đầu ho nhẹ, hôm sau sốt luôn, sốt toàn từng cơn lúc nóng, lúc lạnh. Khi cắt được sốt thì người đau nhức, dạng như đau từ trong xương đau ra, thỉnh thoảng tức ngực khó thở vì oxi vào phổi bị hạn chế. Vợ chồng anh phải cố ăn nhiều hoa quả để có vitamin kháng lại Covid. Ăn cam, uống nước cam nhiều đến mức nhìn thấy cam đã sợ".
"Nhà anh đi test lại và hiện đã âm tính. Nhưng phục hồi hậu Covid-19 chỉ được khoảng 80%, 20% còn lại chưa phục hồi hẳn. Người đôi khi rất mệt mỏi, không còn tý sức nào mà rõ là đang bình thường. Bác sỹ cũng dặn nhà anh đừng để nhiễm lại lần nữa vì đề kháng cơ thể hiện đang yếu, Covid có thể vật lại bất cứ lúc nào".
Theo anh Hùng, không chỉ anh mà nhiều người Việt cũng mong mỏi được hồi hương. Tuy nhiên không nói đến chi phí đắt đỏ, số lượng chuyến bay giải cứu rất ít khiến ước mong này chưa biết ngày nào thành hiện thực.
"Bên Tiệp này chưa có chuyến bay thằng, muốn về phải qua Đức, Pháp rồi từ đó mới bay tiếp về Việt Nam được, xong về đến nơi thì còn phải có tiền cách ly. Nhà anh xác định mỗi suất về mất 100 triệu đồng, 3 người là 300 triệu đồng nhưng còn không đăng ký được chuyến bay giải cứu vì quá tải. Giờ cũng có trung tâm hỗ trợ người Việ Nam tại Séc nhưng số lượng đăng ký vài chục nghìn người, bao giờ mới đến lượt mình?. Anh đang thu xếp đặt vé ngoài mà cũng khó lắm".
"Ước mong lớn nhất lúc này là đường bay thương mại mở lại, để không chỉ nhà anh mà toàn thể người Việt Nam tại nước ngoài được trở về".
Theo VnExpress, cuối năm ngoái, Việt Nam có 16 chuyến bay giải cứu công dân tại Châu Âu, trong đó hàng trăm người Việt Nam tại Séc đã về nước. Dự kiến tháng 3, tháng 4 tới đây sẽ có thêm các chuyến bay giải cứu từ Pháp, Đức, Nga. Tuy nhiên số lượng chuyến bay không nhiều nên phần lớn người về thuộc nhóm đối tượng ưu tiên như dưới 18 tuổi, mất việc, có hoàn cảnh đặc biệt,…
Nhật Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị