Phá bỏ rào cản tư duy
Vũ bị đuổi việc, đã làm việc ở cửa hàng giặt là của chị gái được mấy tháng. Tuy công việc có hơi vất vả, thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 2.000 tệ, nhưng với người không có nghề nghiệp ổn định, cũng không có vốn như anh thì đó đã là một công việc khá ổn. Thế là Vũ vay mượn khắp nơi để mở một tiệm giặt là ngay trong khu nhà mình.
Vũ có một người bạn thân tên là Trường, kinh doanh rất giỏi, cuộc sống cũng rất khá giả. Tình cảm giữa hai người rất tốt nên Vũ mạnh dạn hỏi vay Trường một ít tiền. Trường nghe bạn kể về kế hoạch kinh doanh của mình xong, chỉ cười mà không nói gì khiến cho Vũ cảm thấy rất bối rối.
Trường nói: "Trước đây mình cũng đã từng tìm hiểu nghề giặt là này rồi, không kiếm được nhiều đâu, cậu thử nghĩ xem, mở tiệm giặt là ở một khu dân cư nhỏ thì phải tìm hiểu xem mức sống của người dân trong khu thế nào đã, đúng không? Căn cứ theo tình hình kinh tế ở vùng này thì tiền giặt là một bộ quần áo ít nhất khoảng 2-3 tệ, áo lông và áo dạ sẽ đắt hơn một chút. Chỗ cậu ở vốn dĩ là khu đông người dân lao động, bình thường chẳng mấy ai đem đồ ra tiệm giặt là. Mình biết một vài tiệm giặt là nhỏ, đầu tư một lúc hẳn một chiếc máy vài nghìn tệ về rồi bỏ xó, một năm dùng được vài lần. Kinh doanh mà thế thì không làm còn hơn. Chi bằng cậu theo mình kinh doanh, mỗi tháng trả cho cậu 3.000 tệ tiền lương."
Vũ hơi giận và có ý định bỏ đi. Trường liền kéo lại và bàn bạc thêm về ý tưởng của Vũ tuy nhiên khuyên nếu cậu thật sự muốn mở hiệu giặt là thì đừng có mở ở khu nhà Vũ.
Chuyện là Trường vừa mới khai trương một khu vui chơi giải trí không lâu, đó có một gian hàng không rộng lắm nhưng bề sâu khá dài và anh ngỏ lời mời Vũ thử mở cửa hiệu giặt là ở đó. Vũ lo lắng bởi nếumở tiệm giặt là trong khu dân cư tiền thuê sẽ rẻ trong khi nếu mở ở khu vui chơi, tiền thuê mặt bằng đắt hơn những 10 lần.
Trường mỉm cười, nói: "Tiền thuê đắt không thành vấn đề, người làm kinh doanh không nên sợ tiền thuê mặt bằng cao, điều cần quan tâm hơn là có làm ăn được hay không. Cậu nghĩ xem, người dân sống cùng khu với cậu đều rất tiết kiệm, ai muốn bỏ tiền thuê cậu giặt quần áo hộ chứ, họ có thể thiếu tiền chứ không thiếu thời gian để tự mình giặt quần áo đâu.
Nếu mở tiệm ở đó, tuy là tiền thuê mặt bằng thấp hơn, nhưng khách hàng ít, vậy cậu làm sao kiếm được nhiều tiền. Ngược lại, người lui tới chỗ tớ đều là những người chịu chơi. Một chai rượu siêu thị đề giá 3 nghìn tệ ở chỗ tớ bán giá 15 nghìn tệ cũng không bị chê là đắt. Đó đều là những người có tiền nhưng không có nhiều thời gian, cậu mở một tiệm giặt là thật chuyên nghiệp, tính tiền công 10 tệ một chiếc quần/áo, họ cũng không chê đắt đâu. Hiện nay có rất nhiều người giàu có mới nổi trong xã hội, nếu điểm trúng "yếu huyệt" của những đối tượng đó thì cậu có thể kiếm tiền một cách thoải mái nhẹ nhàng hơn nhiều ngành nghề khác ấy chứ."
Điểm trúng "yếu huyệt"
Vũ không biết phản bác lại thế nào, vì sự thực đúng là như vậy, những người đến khu vui chơi của Trường đều là những người có điều kiện kinh tế tốt, họ sẽ không mặc cả thiệt hơn vài đồng. Tiền công giặt là càng cao lại khiến họ cảm thấy có thể diện trước người khác hoặc khiến họ nghĩ rằng đó là do chất lượng phục vụ ở đây cao hơn những nơi khác.
Trường chia sẻ câu chuyện về một người bán quần áo, đầu tiên, anh ta đề giá chiếc áo nọ 500 tệ thì chẳng có ai hỏi mua, suốt một tháng trời không bán được, sau đó, anh ta tức quá, bèn nâng giá lên thành 5.000 tệ, thế mà chỉ trong một ngày đã bán được. Người ta cứ nghĩ quần áo đắt tiền mới là có phong cách, có đẳng cấp. Trường nhận định nếu Vũ thu phí giặt là của khách những 10 tệ thì cũng phải cung cấp dịch vụ tương xứng cho khách hàng.
Hơn nữa, một khi Vũ đã chứng minh được rằng chất lượng phục vụ của cửa hiệu hơn hẳn những tiệm giặt là thông thường khác thì tất nhiên khách hàng sẽ quảng cáo giúp cho anh. Bởi hững người có tiền thường lập thành hội thành bè với nhau, chỉ cần có tiếng tăm thì những người "lười biếng" đó chính là khách hàng mục tiêu của Vũ, lúc đó yên chí rằng việc kinh doanh sẽ phát đạt hơn nhiều.
Trường còn gợi ý bạn chịu khó đầu tư biển hiệu đàng hoàng và bán thẻ hội viên cho khách hàng. Ví dụ, mỗi một tấm thẻ có giá là 200 tệ, khi khách đến giặt là thì sẽ được giảm giá, như vậy một mặt Vũ vẫn có thể kiếm được tiền, mặt khác sẽ tạo cảm giác được ưu đãi cho khách hàng. Thậm chí anh còn có thể bán cả thẻ hội viên vàng, có giá 500 tệ, ngoài việc giảm giá dịch vụ, còn có thể trả hàng miễn phí cho khách thành phố này không lớn lắm, cậu chỉ việc tự mình đi hoặc thuê một người đi xe máy trả quần áo cho khách cũng được, nhiều người không quan tâm tới tiền phí trả hàng nhưng họ lại không có thời gian để đến chỗ cậu chẳng hạn. Tớ sẽ là hội viên vàng đầu tiên của cậu."
Dưới sự giúp đỡ của Trường, chỉ sau nửa năm, tiệm giặt là của Vũ đã hoạt động rất nhuần nhuyễn, Vũ là một người rất thật thà, làm việc rất nghiêm túc, mỗi một bộ quần áo đều được anh giặt là cẩn thận, khách hàng đều công nhận tiệm giặt là của anh giặt sạch và có chất lượng phục vụ tốt hơn hẳn những tiệm nhỏ khác trong khu dân cư. Cửa hiệu của Vũ quả thật là độc nhất vô nhị, danh tiếng ngày càng vang xa, cuối cùng thì Vũ đã có thể tự làm chủ việc kinh doanh của mình.
Bài học tâm đắc
Mỗi một hình thức kinh doanh đều có những đối tượng khách hàng riêng, bí quyết kinh doanh không đơn thuần chỉ là chuyện giá cả, có những lúc giá thành thấp quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách hàng, vì chất lượng không được đảm bảo nên chắc chắn cũng không giữ được khách. Cùng một hình thức kinh doanh, nhưng nếu ngay từ đầu bạn không xác định được đối tượng khách hàng chính mà mình hướng đến là ai thì càng làm càng vất vả. Cũng giống như khi chúng ta bán các đĩa nhạc của Châu Kiệt Luân cho những cụ ông cụ bà bảy tám mươi tuổi hay bán đồng hồ Rolex cho những người công nhân xây dựng làm việc ở công trường vậy, liệu có ai bỏ tiền ra mua không?
(Nội dung tham khảo cuốn sách: Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ)
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị