Giá rẻ, khách du lịch nhiều
Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết lượng khách mua tour tại công ty tăng mạnh từ đầu tháng Ba. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt khách đặt tour. Ngoài các tour trọn gói, năm nay Vietravel có cả các sản phẩm du lịch tự chọn trong dịp lễ 30/4. Trong đó, có gói dịch vụ bao gồm xe và khách sạn đến Vũng Tàu, Phan Thiết với giá chỉ từ 1,29 triệu đồng/khách; gói dịch vụ bao gồm vé máy bay Vietravel Airlines và khách sạn đến Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng…
“Dự kiến dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, đơn vị sẽ phục vụ khoảng 15.000 lượt khách với các điểm đến được lựa chọn nhiều nhất là Sa pa, Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt”, bà Khanh chia sẻ.
Thị trường du lịch đang đứng trước cơ hội phục hồi nếu các địa phương đảm bảo tốt công tác phòng dịch. Trong ảnh: Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh ở TP.Hội An (tỉ nh Quảng Nam) thu hút rất đông du khách tham quan vào các dịp lễ hội. Ảnh chụp tháng 3/2019. ẢNH: THUẬN HÓA |
Đại diện các đơn vị lữ hành tại TPHCM có chung nhận định, du lịch tự túc theo nhóm gia đình với hình thức đặt gói dịch vụ có xu hướng phổ biến. Tour từ bốn ngày trở lại và chùm tour trong thời gian này cũng được đa số khách ưu tiên lựa chọn.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST tourist, cho hay giá tour dịp lễ 30/4 không tăng mà còn có xu hướng bằng hoặc giảm khoảng 5% so với năm ngoái nên góp phần kích thích khách mua. Ngoài ra, xu hướng hình thành các tour khách lẻ theo hành trình tự chọn, du khách có xu hướng tập trung vào khu vực biển miền Trung, các tour ngắn ngày gần TPHCM, trong khi các tour khách đoàn doanh nghiệp lại có sự lựa chọn đa dạng hơn ở nhiều tỉnh thành, trong đó khu vực Đông Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Phú Quốc, Côn Đảo có sự nổi trội hơn hẳn.
Tại một số điểm đến trọng điểm, giá dịch vụ lưu trú năm nay không tăng gấp hai, ba lần ngày thường, như ở các năm trước. Tại một khách sạn trên đường Đống Đa, P.3, TP.Đà Lạt, giá phòng tiêu chuẩn cho hai người ngày thường từ 480.000-580.000 đồng/đêm, vào dịp lễ 30/4 sắp tới là 780.000-900.000 đồng/đêm. Một khách sạn khác trên đường Hồ Tùng Mậu, TP.Đà Lạt ngày thường có giá phòng cao cấp (rộng hơn 40m2, có bể sục thủy lực...) 2 triệu đồng/đêm, vào dịp lễ sắp tới là 3,2 triệu đồng/đêm… Nhiều chủ khách sạn tại đây cho hay, số lượng phòng còn khá hạn chế do khách đã đặt từ trước, khách muốn đặt phòng phải đặt cọc giữ chỗ ít nhất 50%.
Tại Huế, các chương trình giảm giá, khuyến mãi du lịch đang được thực hiện đồng bộ nhằm thu hút khách tham quan trở lại địa phương này. Theo đại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên cạnh việc duy trì công tác phòng, chống dịch với nhiều giải pháp, tỉnh cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch và chương trình để đón du khách, sẵn sàng trong trạng thái bình thường mới. Hiện tỉnh này đang áp dụng chính sách giảm 50% phí tham quan đối với các hãng lữ hành dẫn khách đến với di sản Huế. Chính sách này sẽ áp dụng đến hết ngày 31/8 và tùy vào tình hình thực tế, lãnh đạo tỉnh sẽ quyết định kéo dài nữa hay không. Ngoài ra, nhiều cơ sở lưu trú chất lượng trên địa bàn tỉnh (từ 3-5 sao) đã có các gói khuyến mãi, ưu đãi cho khách; một số khách sạn giảm giá 50% cho đến hết ngày 31/12.
Blue Map, Bluezone, 5K...
Các doanh nghiệp (DN) lữ hành đều khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, hầu hết đại diện các DN này cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề an toàn dịch bệnh khi các điểm đến, đặc biệt các điểm tham quan có lượng khách đổ về quá đông. Điều này sẽ phụ thuộc rất lớn vào các địa phương nơi đón khách.
Nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hằng năm, lượng người đổ về các điểm du lịch đông, gây lo ngại về việc duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 |
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng để đảm bảo an toàn khi du khách sẽ ồ ạt về Huế tham quan trong các dịp lễ hội sắp đến, ngành du lịch đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Trong đó, lưu ý đầu tiên vẫn là cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 để du khách có thể cập nhật nhanh nhất.
Ngoài ra, tỉnh có triển khai thêm ứng dụng Hue-S và quét mã QR điểm đến để giám sát dịch tễ cộng đồng; cập nhật bản đồ du lịch an toàn (Hue Blue Map) để nhận biết các cơ sở dịch vụ, điểm đến đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Đối với khách du lịch, tỉnh khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thời điểm và thời gian an toàn để du lịch. Ghi chép lịch trình tại các điểm đến, hợp tác khai báo trung thực với chính quyền địa phương khi có yêu cầu sau các chuyến du lịch. Riêng các đơn vị, điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân cung ứng dịch vụ, phải niêm yết đường dây nóng về hỗ trợ y tế và hỗ trợ du khách.
Đánh giá mới đây cho thấy, đâu đó vẫn còn một số DN, điểm đến còn lơ là, chưa quyết liệt; còn một số du khách chưa có ý thức, không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, khiến các điểm đến khó quyết liệt, triển khai đầy đủ các giải pháp. Đại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, hiện các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch đã mở cửa trở lại đều được kiểm tra, đánh giá việc áp dụng Bộ tiêu chí phòng, chống dịch trong lĩnh vực du lịch. Sở đã đưa danh sách này lên hệ thống Blue-map (bản đồ du lịch an toàn) để du khách lựa chọn.
Ông Bùi Quốc Thái, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho hay dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp tới, lượng khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đặc biệt là Phú Quốc dự kiến tăng cao. Ngành du lịch sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Theo đó, du khách đến tham quan du lịch, lưu trú, vui chơi giải trí... được yêu cầu đo thân nhiệt, rửa tay, khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, giữ khoảng cách phù hợp... nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và cán bộ, nhân viên, người lao động trong đơn vị.
Sở cũng giao thanh tra sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch. Kiểm tra việc đăng ký tự đánh giá và kết nối hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia đối với cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sở đã xây dựng và liên tục bổ sung Bộ tiêu chí an toàn để các DN lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm đến… tự đánh giá, sau đó đoàn công tác của sở sẽ đến kiểm tra. Trong tháng 2/2021, khi dịch bùng phát ở tỉnh Quảng Ninh, bộ tiêu chí an toàn tiếp tục được điều chỉnh lần thứ ba cho phù hợp với tình hình mới.
Hiện sở cũng đang lên kế hoạch, tham mưu để thực hiện công tác cấp chứng nhận, chứng chỉ an toàn đối với cơ sở lưu trú, lữ hành du lịch… với những cam kết an toàn, cam kết giá cả. Các đối tác du lịch quốc tế cũng yêu cầu các đơn vị lưu trú, đơn vị lữ hành cung cấp giấy chứng nhận an toàn đón khách từ đơn vị quản lý, địa phương để chuẩn bị cho khách quốc tế trở lại. “Việc xây dựng, nghiên cứu cấp chứng nhận an toàn cho các đơn vị lưu trú, lữ hành cũng là một cải tiến, biện pháp đón đầu cho thị trường du lịch nội địa và sắp tới là mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế”, ông Việt Anh cho hay.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy mới đây đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan ban, ngành triển khai những nội dung liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau khi xuất hiện tình trạng một số điểm du lịch như chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) xảy ra tình trạng quá tải khách tham quan, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh khó đảm bảo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, dù tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ do người dân chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh. |
Thuận Hóa - Quốc Thái
Xem thêm: lmth.2710341a-hcid-gnohp-ol-ion-av-hnam-gnat-hcahk-ud-5-1-4-03-el-pid/nv.moc.enilnounuhp.www