Tăng trưởng bình quân của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới giai đoạn 2016-2019
Hoàng Thắng
(KTSG Online) - Mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, thuộc nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội sáng 24-3. Ảnh: quochoi.vn |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV vào sáng 24-3.
Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ
Thủ tướng cho biết nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Cụ thể, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp và khó đoán định. Trong đó toàn cầu hóa, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhiều cơ hội. Nhưng nhiều nhân tố bất ổn, rủi ro gia tăng, gồm: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử từ đầu năm 2020.
Những yếu tố này – theo Thủ tướng – đã tác động mạnh mẽ tới cục diện kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, khu vực và sự phát triển của các quốc gia.
Với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài, những bất cập nội tại của nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng đã quán triệt phương châm xuyên suốt của cả nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân. Đồng thời kế thừa kinh nghiệm quản lý, điều hành từ các nhiệm kỳ trước, không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ, kiên định định hướng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Để thực hiện phương châm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo triển khai một cố công việc, gồm: thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, tư duy xây dựng chính sách, pháp luật cũng thay đổi từ quản lý chặt chẽ sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển.
Với công tác cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã tập trung rà soát, xác định các “điểm nghẽn” về thể chế, các quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp thực tiễn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, rồi tháo gỡ để khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
“Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, Chính phủ coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật cắt giảm 3.893 trên 6.191 điều kiện kinh doanh trong giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 30 trên 120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 6.776 trên 9.926 danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo phương án xử lý theo hướng tập trung một đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành với 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền giữa các bộ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra hàng hóa chuyên ngành.
Kết quả, Việt Nam đã tăng 20 bậc trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới – xếp thứ 70 trên 190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN.
Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam tăng 10 bậc – từ 77 lên 67 trong giai đoạn 2018-2020, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
“Kết quả này được đánh giá có mức độ cải thiện về chất lượng cao hơn so với mức trung bình của thế giới, là một trong những minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, các ngành trong suốt thời gian qua”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ
Với công tác đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Theo đó, Thủ tướng quán triệt quan điểm chỉ đạo là: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”.
Ngoài ra, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập với Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban, còn tại các bộ, ngành, địa phương là các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.
Việc hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử cũng được tiến hành, theo Thủ tướng.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
“Các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với tỉ lệ trên 30% tính đến cuối năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. Một số bộ, cơ quan xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước cũng được đẩy mạnh khi các bộ, ngành, địa phương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 100%.
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016, xếp thứ 86/193 quốc gia, xếp thứ 6 trong ASEAN.
Với công tác đơn giản hoá thủ tục hanh chính, phủ đã ban hành cơ sở pháp lý và 19 Nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa trên 1.000 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, tạo tiền đề quan trọng để cắt giảm tối đa việc khai nộp giấy tờ, thông tin của người dân khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành.
Hiện 100% các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc kiện toàn Bộ phận một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó 59 trên 63 địa phương đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
Đáng chú ý, có địa phương đã thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức “5 tại chỗ”. Nhiều địa phương khác đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa “vật lý” với một cửa “điện tử” để tạo thuận lợi cho người dân.
Kết quả, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt mức 97,37%.
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới giai đoạn 2016 - 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ đã kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016-2020 là 3,2%, thấp hơn 4,45% so với giai đoạn 2011-2015. Lạm phát cơ bản được kiểm soát tốt qua các năm, giữ mức tương đối ổn định, bình quân đạt 1,81%, thấp hơn 3,34% so với giai đoạn 2011-2015.
Với tăng trưởng kinh tế, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, thuộc nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Còn mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 5,99%, cao hơn 0,08% giai đoạn 2011-2019, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
“Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP - PV) năm 2020 đạt 2,91%, tăng trưởng cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Thủ tướng cho biết tổng vốn FDI đăng ký khoảng 173-174 tỉ đô la Mỹ giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn thực hiện khoảng 92-93 tỉ đô la.
Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ cũng đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến tình hình. Đồng thời hoàn thiện chính sách tài chính, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế và phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.