Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã gửi thư đến Thủ tướng đề xuất về việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế.
Du lịch tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ USD/ năm.
Nội dung thư nêu: TAB ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Trước dịch COVID-19 du lịch đóng góp hơn 10% GDP, tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ USD/ năm. Ngoài tạo ra thị trường cho du lịch, khách sạn, việc đi lại quốc tế cũng là sự cần thiết cho DN có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các dự án đầu tư FDI mới…
Với nhiều chương trình tiêm vaccine đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Thái Lan, Singapore đã đưa ra rất nhiều chính sách tái mở cửa biên giới theo cách an toàn, dự kiến mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine hoặc chứng chỉ tiêm chủng COVID-19.
Nếu chậm chân Việt Nam sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế. Vì vậy TAB đề xuất Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét làm thế nào để Việt Nam tái mở cửa được biên giới một cách an toàn và bền vững. Cho phép từng bước mở cửa cho việc đi lại không phải cách ly.
Tuy nhiên, bất kỳ sự mở cửa cho du lịch cần phải an toàn, có lộ trình. Theo tiến trình này, Việt Nam tiến hành đàm phán song phương với từng nước đã đạt được các tiêu chí về an toàn dịch bệnh; đưa ra các chính sách an toàn dịch bệnh như yêu cầu hộ chiếu tiêm chủng; kiểm tra COVID-19 trước chuyến bay và kiểm tra khi đến.
Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc gồm bảo hiểm COVID-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Bảo hiểm COVID-19 nhằm đảm bảo quyền lợi, sự an toàn của du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch, cũng như kiểm tra, điều trị, sơ tán y tế và hồi hương ...
Bộ Tài chính cho phép DN bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch bệnh COVID-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật.
Nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc cho khách quốc tế đến Việt Nam và người Việt du lịch nước ngoài.
Đề xuất cửa dần từ quý 3-2021
Theo TAB, để chuẩn bị đón khách quốc tế, ngành du lịch cần xây dựng một quy trình đón và phục vụ khách du lịch an toàn. Song song đó cần xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến ở các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm, đặc biệt là ở các thị trường xa cũng như khu vực.
Việc mở cửa đón khách quốc tế sẽ phụ thuộc vào chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam và các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam cũng như sự chuẩn bị, năng lực đón khách du lịch quốc tế của Việt Nam.
Mùa du lịch ở các thị trường gần như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9; mùa du lịch ở những thị trường xa như Châu Âu, Úc, Nga… từ tháng 10 đến tháng 3. Do đó, tốt nhất Việt Nam bắt đầu mở cửa dần từ quý 3-2021 và mở nhiều hơn từ quý 4-2021.
Để có được ưu thế cạnh tranh khu vực, Việt Nam cần phải có một chính sách visa cởi mở, hoàn thiện hơn có thể trên cơ sở thí điểm từ 12 đến 24 tháng.
Đồng thời, TAB đề nghị chính sách miễn visa 30 ngày sẽ được tiếp tục áp dụng đối với các nước đã được miễn và bổ sung thêm Úc, New Zealand, Ấn Độ, các nước,châu Âu còn lại.
Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan nghiên cứu các đề xuất của Hội đồng tư vấn du lịch về một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Hộ chiếu vaccine chỉ là một trong số rất nhiều biện pháp toàn diện mà TAB đã đưa ra trong thư gửi Thủ tướng để đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng người dân Việt Nam. Một mình hộ chiếu vaccine không đủ an toàn và độ tin cậy để mở cửa. Ngoài ra, dịch COVID-19 luôn diễn biến khó lường. Mọi biện pháp áp dụng sẽ luôn phải được theo dõi, cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế. |