Năm bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh sẽ làm 4 bài thi để xét tốt nghiệp THPT, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Riêng thí sinh là học sinh hệ giáo dục thường xuyên chỉ làm 3 bài thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp tự chọn. Chỉ có Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Về đề thi, các câu hỏi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Các câu hỏi đáp ứng yêu cầu mục tiêu xét tốt nghiệp THPT nhưng đảm bảo tỉ lệ câu hỏi khó để phân hóa trình độ của thí sinh nhằm hỗ trợ các trường lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ GD&ĐT cam kết không ra câu hỏi ở phần nội dung tinh giản.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định việc sắp xếp phòng thi. Trong đó, đảm bảo phòng thi tại mỗi điểm thi có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 học chương trình giáo dục THPT trên tổng số thí sinh dự thi. Quy định này nhằm tránh việc xếp các phòng thi toàn thí sinh tự do, hệ giáo dục thường xuyên, trung cấp ngồi riêng với nhau dễ xảy ra gian lận thi.
Kỳ thi năm nay tiếp tục được giao cho địa phương chủ trì và chịu trách nhiệm hoàn toàn. Việc chấm thi cũng do hội đồng chấm thi tại địa phương lựa chọn giáo viên, tổ chức chấm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Các bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy, bài tự luận được chấm bằng tay. Sở GD&ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Một số điểm mới trong quy chế thi
Năm nay, quy chế thi có một số điểm mới, trong đó quy định ở khâu chấm thi chặt chẽ hơn. Cụ thể, ở phần chấm thi tự luận, hội đồng chấm thi các tỉnh, thành phố sẽ chấm với hướng dẫn, đáp án, thang điểm do Bộ GD&ĐT xây dựng theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Nhằm tránh chấm lỏng, chấm chặt cho các bài thi tự luận gây tranh cãi, quy chế quy định tất cả hội đồng chấm bài thi tự luận ở các địa phương phải tổ chức chấm chung 10 bài thi để thống nhất. Giữa 2 giám khảo chấm thi, không có sự trao đổi thống nhất điểm trong quá trình chấm bằng cách mỗi giám khảo ghi điểm mỗi nơi khác nhau.
Trong trường hợp bất khả kháng không thể vận chuyển được đề thi bằng hòm, tủ hoặc két sắt có khóa niêm phong, Sở GD&ĐT xây dựng phương án vận chuyển đảm bảo an ninh, an toàn cho đề thi và báo cáo Bộ GD&ĐT. Quy định này được cho là phù hợp với điều kiện thực tế vì một số khu vực ở các địa phương không thuận tiện về đường sá để vận chuyển đề trong hòm, két sắt.
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan việc đình chỉ thi. Theo đó, đình chỉ thi đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi như: đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép vào phòng thi, phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ…Quy định này đảm bảo chặt chẽ trong việc quản lý học sinh đem tài liệu vào khu vực thi, tránh việc lọt, lộ đề ra ngoài trong thời gian thi.
Ngoài ra, quy chế bổ sung quy định lỗi vi phạm của thí sinh như: không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi…
Các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh. Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở đào tạo sử dụng các phương thức tuyển sinh tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt tốn kém, lãng phí cho thí sinh và người nhà.
Hà Linh
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.22184947052301202-iom-meid-ueihn-oc-1202-tpht-peihgn-tot-iht-ehc-yuq/nv.zibefac