Trang đầu của báo cáo "Tình hình vi phạm nhân quyền ở Mỹ năm 2020" được công bố ngày 24-3 - Ảnh chụp màn hình
Theo Thời báo Hoàn Cầu, thông thường Trung Quốc chỉ đưa ra "Báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền ở Mỹ" như một cách đáp trả báo cáo tương tự của Washington được tung ra trước.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp như năm nay, Chính phủ Trung Quốc quyết định chủ động đưa ra báo cáo trước Mỹ", tờ báo của chính quyền Bắc Kinh giải thích.
Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc đề cập tới nhiều khía cạnh trong xã hội Mỹ, bao gồm cả đại dịch COVID-19, khoảng cách giàu nghèo và sự chia rẽ đảng phái.
Thời báo Hoàn Cầu không giấu mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh là biến báo cáo trở thành một tài liệu tham chiếu, chỉ ra "những vi phạm nhân quyền khủng khiếp ở Mỹ" để "những nhận xét của Mỹ về tình hình nhân quyền các nước khác trở thành tiêu chuẩn kép và đạo đức giả".
Báo cáo dài 15.000 chữ bắt đầu bằng một câu ngắn gọn "Tôi không thở được" của George Floyd, người bị cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết. Cái chết của Floyd từng thổi bùng phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho người da màu, phản đối cảnh sát bạo lực và các vụ bạo loạn nghiêm trọng trên khắp nước Mỹ trong năm qua.
Theo phía Trung Quốc, tình hình nhân quyền ở Mỹ trở nên xấu đi vì "sự thất bại trong việc xử lý đại dịch COVID-19". Thời báo Hoàn Cầu mô tả "sự rối loạn của nền dân chủ Mỹ được phản ánh một cách sinh động trong các cuộc bạo động ở Điện Capitol và sự phân biệt đối xử ngày càng tăng đối với các nhóm thiểu số".
Báo cáo cũng cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là "cuộc bầu cử mà tiền đi đầu", nêu ra những con số để chứng minh "niềm tin của người Mỹ vào trật tự xã hội đã suy giảm". Chẳng hạn, theo báo cáo, trong năm 2020 người Mỹ đã mua 23 triệu khẩu súng, gần 20.000 vụ bạo lực liên quan súng đạn.
Đáng chú ý, dù chỉ chiếm một phần nhỏ, báo cáo của Chính phủ Trung Quốc cũng nêu cáo buộc Mỹ đối xử "tàn tệ với người tị nạn". "Hàng chục phụ nữ tuyên bố rằng họ phải trải qua các cuộc phẫu thuật phụ khoa không cần thiết và không có sự đồng ý của họ, bao gồm cả cắt bỏ tử cung", Đài CGTN của Trung Quốc trích dẫn báo cáo.
Động thái diễn ra trong bối cảnh phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, gần đây đang gây sức ép lên Trung Quốc vì vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Hôm 22-3, lần đầu tiên kể từ năm 1989, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc với cáo buộc "đàn áp" người Duy Ngô Nhĩ. Hành động của EU nhanh chóng nhận được sự phối hợp tập thể của Mỹ, Anh và Canada.
Úc và New Zealand kế đó ra tuyên bố chung thể hiện sự ủng hộ, đồng thời khẳng định có bằng chứng đáng tin cậy cho các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, bao gồm các vụ triệt sản người Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Truyền thông nhà nước Trung Quốc lập luận việc các nước yêu cầu kiểm tra tình hình Tân Cương là hành động không thể chấp nhận được, bởi Trung Quốc là một nước có chủ quyền và đây là chuyện nội bộ của Trung Quốc.
TTO - Chỉ 2 ngày sau đối thoại cấp cao căng thẳng "nảy lửa" với phía Mỹ ở Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bước vào cuộc gặp cho thấy sự đoàn kết với Nga, và theo giới phân tích, đây là sự xếp đặt hiếm thấy.
Xem thêm: mth.22553229052301202-ym-ev-neyuq-nahn-oac-oab-mos-gnut-couq-gnurt/nv.ertiout