TPHCM - Việc mở bán thế hệ iPhone 13 tại TPHCM từ đêm 21 đến sáng 22.10 diễn ra khá cẩn trọng trong bối cảnh dịch bệnh. Và hầu hết tại các chuỗi, cách bán ra iPhone mới năm nay là không nhận đặt cọc trước, trong khi iPhone mới xách tay gần như im hơi lặng tiếng.
Mở bán trong cẩn trọng phòng dịch
Theo ông Minh Tuấn - điều hành chuỗi cửa hàng điện thoại Minh Tuấn Mobile, việc mở bán thế hệ iPhone 13 năm nay ngay trong đêm 21.10 đã tiết giảm số người đến nhận hàng khoảng 70% nhằm đảm bảo biện pháp phòng dịch. Những khách hàng đến nhận hàng và nhân viên phục vụ cho việc này trong đêm cũng là những người đã được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Thậm chí, với không ít khách hàng có nhu cầu thu cũ đổi mới lên đời iPhone 13, nhà bán lẻ triển khai phương án giao hàng tận nhà để tránh tập trung đông người.
Cũng đề cao biện pháp phòng dịch, ông Nguyễn Ngọc Đạt - điều hành chuỗi Di Động Việt cho biết, thay vì mở bán ở một điểm tại TPHCM, năm nay việc mở bán iPhone 13 của hệ thống này triển khai ở nhiều tỉnh nhằm phân tán lượng khách hàng. Đồng thời, toàn bộ nhân viên và lượng shipper nội bộ phục vụ đã được tiêm chủng trên 30 ngày và tuân thủ biện pháp phòng chống dịch 5K.
Thông tin từ chuỗi FPT Shop, việc giao máy cho khách tại cửa hàng chỉ có tính tượng trưng, còn chủ yếu là giao tận nhà khách hàng ngay trong đêm 21.10 với số lượng 1.500 máy.
Apple ngày càng “mạnh tay”
Mùa iPhone 13 năm nay, quyết định rõ nét nhất ngay lập tức tác động đến khách hàng là hầu hết các chuỗi không nhận đặt cọc trước, thay vào đó chỉ cho đăng ký nhận thông tin, hoặc đăng ký sản phẩm.
Theo đại diện một số chuỗi bán lẻ không tiện nêu tên, đây là chủ trương của hãng Apple nhằm tránh tình trạng lượng người đặt cọc nhiều nhưng lượng sản phẩm về không kịp đáp ứng, gây ra điều tiếng không hay ảnh hưởng đến tiếng tăm của Apple. Được biết, đây cũng là sự “chấn chỉnh” trên phạm vi toàn cầu của “táo khuyết”.
Bên cạnh việc “mạnh tay” không cho nhận đặt cọc trước, thị trường iPhone 13 năm nay thêm một mùa nữa ghi nhận thị trường iPhone xách tay đang dần bị quên lãng, bị hàng chính hãng đẩy lùi và ngày càng ít người còn nhớ đến hay quan tâm đến.
Trước đó, vào khoảng tháng 6-7.2021, một số sàn thương mại điện tử lớn trong nhóm “Big 4” tại Việt Nam đã ẩn đi những gian hàng chuyên bán iPhone khóa mạng, iPhone không rõ nguồn gốc xuất xứ nhập về bán tại Việt Nam.
Động thái trên được cho rằng nhằm tránh vi phạm quy định mới tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15.10.2020.
Mặt khác, cũng có nhận định cho rằng, một số sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cũng đã trở thành đại lý ủy quyền chính thức của Apple (AAR), vì thế phải tuân thủ cam kết không bán các sản phẩm Apple không chính hãng nhập về Việt Nam.
Điều đó khiến Apple (đặc biệt là Apple Việt Nam) hưởng lợi hơn bao giờ hết từ lượng hàng chính hãng bán ra tại Việt Nam. Song mặt khác, nhà nước cũng hạn chế được phần nào tình trạng thất thu thuế rơi vào iPhone và các sản phẩm Apple nhập vào Việt Nam theo đường xách tay, hàng nhập lậu…
Xem thêm: odl.733669-teiv-gnourt-iht-iat-noh-yat-hnam-elppa-nab-om-gnort-nac-31-enohpi/et-hnik/nv.gnodoal