Quy tắc xuất xứ của RCEP 'thoáng' hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu
Hùng Lê
(KTSG Online) - So với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, các quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được cho là "thoáng" hơn và không quá khó khăn đối với các doanh nghiệp muốn vận dụng để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng của khu vực ASEAN và các đối tác của khu vực này.
Quy định xuất xứ của RCEP được cho là thoáng hơn để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” diễn ra tại TPHCM vào ngày 25-3. Sự kiện do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) tổ chức thu hút đại diện khoảng 200 doanh nghiệp tham dự.
Hầu hết thành viên RCEP hiện đều đã có hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam, do đó RCEP không có vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu như một số FTA khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và diễn giả, khác với một số các FTA trước thì nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất doanh nghiệp được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.
Quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam "gỡ khó" về xuất xứ nguyên phụ liệu để sản xuất thành phẩm mà còn giúp nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi khu vực ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam vượt hàng chục tỉ đô la mỗi năm.
Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
Được ký kết ngày 15-11- 2020, Hiệp định RCEP đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. |
Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TPHCM, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã đi sâu vào phân tích, làm rõ những điểm mới khác biệt về quy tắc xuất xứ của RCEP so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác má Việt Nam đang thực thi.
Ông Bình đã đưa ra các ví dụ về thực hiện quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, thủy sản chế biến… có lợi thế khi xuất qua các quốc gia thành viên RCEP.
Theo chuyên gia này, các quy định về quy tắc xuất xứ trong hiệp định RCEP có một số điểm mới nhưng lại không quá khó cho doanh nghiệp khi thực thi, hiệp định này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực.
Ví như, với hàng thủy sản, các hiệp định trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Đại diện các doanh nghiệp đang nghe diễn giả chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Lê Hoàng |
So sánh RCEP với các FTA Việt Nam đang thực thi, ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia kinh tế Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định RCEP sẽ giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập cho Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở rộng thị trường và tham gia sâu vào chuỗi giá trị, RCEP cũng sẽ kéo theo những thách thức về nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia thành viên.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và cần tìm hiểu kỹ các qui định thị trường để kịp thời thay đổi và tận dụng hiệu quả các lợi ích mà các FTA mang lại.
Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng có những nhận định khả quan về hiệp định RCEP. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ông Bắc cũng nhấn mạnh doanh nghiệp cần phải lưu ý một số thách thức mà RCEP có thể mang lại.
RCEP tạo ra một môi trường thông thoáng hơn so với các FTA Việt Nam đã tham gia, nhưng cùng với đó cũng đặt ra yêu cầu về việc giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch một cách chặt chẽ hơn. Chính bởi vậy, doanh nghiệp cần phải hiểu đúng quy định để vận dụng sao cho hiệu quả, ông Bắc lưu ý.
Từ góc độ pháp lý, luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng luật Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng việc ký kết RCEP là bước đệm tốt cho Việt Nam, tuy vậy để phát huy được ưu điểm của RCEP, doanh nghiệp cần phải để tâm hơn đến các điều khoản để nhận diện rõ và tránh được một số rủi ro.
Luật sư Thành đã cập nhật cho doanh nghiệp những thông tin chi tiết về cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 19 của Hiệp định RCEP. Theo đó, Hiệp định khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, tham vấn, hòa giải và sự thỏa thuận của các bên sẽ hoàn toàn được tôn trọng.
Từ việc nêu các quy định, chuyên gia cũng tiến hành mô tả khái quát quy trình giải quyết tranh chấp để doanh nghiệp có hình dung rõ hơn về cơ chế xử lý khi có mâu thuẫn phát sinh ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh RCEP sẽ được thực thi trong thời gian tới, chuyên gia cũng đưa ra các phân tích và khuyến nghị về các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình giao dịch của doanh nghiệp, chẳng hạn như tranh chấp về xuất xứ hàng hóa, về hợp đồng mua bán, sở hữu trí tuệ…
Đây là các tranh chấp đã vốn tồn tại, nhưng khi đặt trong bối cảnh RCEP, chuyên gia dự đoán rằng các tranh chấp này sẽ có xu hướng tăng và nếu không thận trọng, các tranh chấp nhỏ này sẽ dễ dẫn đến các tranh chấp lớn hơn, phức tạp hơn.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15-11-2020, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). Trong đó, 15 nước thành viên chiếm gần tới 30% của dân số thế giới (2,2 tỉ người) và 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu (26,2 ngàn tỉ đô la Mỹ) vào thời điểm năm 2020, làm nó trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Theo CIIS, hiệp định hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và giúp Việt Nam có thể kết nối tốt hơn chuỗi cung ứng hàng hóa tòan cầu so với các FTA khác. |
Xem thêm: lmth.-uahk-taux-peihgn-hnaod-ohc-noh-gnaoht-pecr-auc-ux-taux-cat-yuq/098413/nv.semitnogiaseht.www