Trailer phim Godziilla Vs. Kong (Godziilla đại chiến Kong)
Cũng thật tiếc cho Godzilla, vị vua quái vật hùng mạnh nhất trong vũ trụ điện ảnh MonsterVerse của Legendary. Trong Godzilla đại chiến Kong, Godzilla có thời lượng ít ỏi và không hề có tính cách, câu chuyện hay bất cứ tiếp xúc nào với con người.
Kong mới thực sự là nhân vật chính khi được nhân cách hóa sống động với các thói quen sinh hoạt rất người, giao cảm bằng mắt và thủ ngữ với một bé gái. Đặc biệt, Kong có ước mơ tìm về nguồn cội và biết phân biệt thiện ác.
Con người nhàm chán, nhưng quái vật có tính người lại hấp dẫn
Điều trái khoáy ở các bộ phim trong vũ trụ quái vật MonsterVerse là dù khán giả chán ngấy sự xuất hiện của con người trong đó, họ lại bị thu hút bởi những con quái vật có tính người.
Ở lần lượt các phần phim Godzilla (2014), Kong: Skull Island (2017, quay ở Việt Nam) và Godzilla: King of the Monsters (2019), tuyến con người luôn rất nhàm chán với nội tâm mỏng như tờ giấy, dù các phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng.
Quái vật đối đầu trong Godzilla Vs. Kong, chiếu tại Việt Nam từ 26-3 - Ảnh: LEGENDARY
Godzilla Vs. Kong không phải ngoại lệ khi hầu hết con người chỉ mải chạy, hoảng sợ, toan tính, la hét và tấn công quái vật bằng súng một cách vô nghĩa.
Nhân vật Madison (Millie Bobby Brown) được phát triển so với King of the Monsters nhưng không để lại ấn tượng gì. Tiến sĩ Lind (Alexander Skarsgård) chỉ được mỗi vẻ ngoài đẹp trai. Cô bé thổ dân (Kaylee Hottle), người có mối giao cảm đặc biệt với Kong, là nhân vật đáng nhớ nhất.
Godzilla Vs. Kong chỉ dài 1 giờ 53 phút, may mắn là thời lượng dành cho quái vật khá nhiều và dày đặc. Về thời lượng khá ngắn so với một phim "bom tấn" quan trọng, đạo diễn Adam Wingard giải thích nếu phim dài hơn thì những cảnh được bổ sung cũng chỉ là cảnh "con người nói về quái vật" chứ không phải là cảnh "quái vật đánh nhau".
Các màn giao đấu nảy lửa giữa quái vật là điểm hấp dẫn của phim - Ảnh: LEGENDARY
Mà với dạng phim này, khán giả chỉ thích xem "quái vật đánh nhau". Đúng hơn, họ đang khát dạng phim "bom tấn" có kỹ xảo mãn nhãn, âm thanh sống động, quy mô hoành tráng hơn bao giờ hết.
Nhìn lại điện ảnh một năm vừa qua, phòng vé hầu như vắng bóng "bom tấn", nếu có thì các pha kỹ xảo không đủ thỏa mãn (Wonder Woman 1984). Còn các bộ phim nghệ thuật hoặc tâm lý lại đòi hỏi người xem suy ngẫm. Godzilla Vs. Kong lại là lựa chọn vừa vặn, khi khán giả muốn giải trí đã đời tại rạp và không vướng bận khi ra về.
Và nhà làm phim cũng khéo léo cho Godzilla và Kong giao đấu trong 3 màn ác liệt. Một lần náo động cả đại dương, lần hai và lần ba khuynh đảo đô thị Hong Kong. Mỗi lần đều phân định thắng thua rõ ràng.
Tình bạn đặc biệt giữa Kong và cô bé Jia - Ảnh: LEGENDARY
Nhà làm phim vô tình biến Godzilla thành phản diện, còn Kong chính diện. Không hề khó hiểu, Kong nhận được sự yêu mến và cổ vũ của người xem.
Kong chẳng khác nào nhân vật chính trong các phim giả tưởng của Hollywood lâu nay, có một hành trình đi tìm nguồn cội, đi tìm bản ngã và được gia tăng sức mạnh nhờ một vũ khí truyền thống của tổ tiên, được số phận thúc đẩy trở thành người hùng.
Đôi mắt long lanh và đượm buồn của Kong khi hoài nghi con người, ánh nhìn dịu dàng ân cần khi giao tiếp với cô bé Jia đều khiến nhân vật trở nên rất người. Trong khi đó, chính sức mạnh vượt trội và biểu hiện hung bạo của Godzilla lại khiến nhân vật xa lạ, kém gần gũi.
Phần phim quyết định tương lai vũ trụ quái vật
Với câu chuyện rất mỏng và con người có vai trò mờ nhạt, các phần phim vừa qua - Godzilla, Kong: Skull Island và Godzilla: King of the Monsters - đều không phải là những cú nổ lớn về doanh thu. Godzilla và Kong: Skull Island thu 529 triệu và 566 triệu USD mỗi phim, vẫn có thể coi là thành công nhưng không đủ rung chuyển phòng vé.
Còn King of the Monsters tệ hơn, chỉ thu 386 triệu USD. Điều đó chứng tỏ gì? Nếu các phim "bom tấn" chỉ dừng lại ở thỏa mãn về thị giác, âm thanh, chuẩn về cấu trúc mà không tạo dư âm lay động về câu chuyện và cảm xúc thì doanh thu vẫn không thể đột phá. Câu chuyện, nhân vật luôn phải mạnh và chạm hơn nữa mới thôi thúc khán giả xem và xem lại.
Godzilla và Kong đều là những biểu tượng văn hóa chứ không chỉ nhân vật phim ảnh - Ảnh: LEGENDARY
Nếu doanh thu không đột phá, các phần phim tiếp theo khó có thể được sản xuất do kinh phí cho các phim "bom tấn" này đều từ 150 triệu đến 200 triệu USD và còn tính thêm 100 triệu USD kinh phí tiếp thị. Và Godzilla Vs. Kong đang ở bước ngoặt quan trọng này, nếu phim không thắng lớn thì có lẽ vũ trụ quái vật sẽ khó đi tiếp.
Nếu vậy, đó là điều đáng tiếc đối với những thương hiệu quái vật lớn như Godzilla và Kong. Chúng không chỉ là nhân vật phim ảnh mà còn là biểu tượng văn hóa đại chúng, có sức ảnh hưởng qua nhiều thế hệ. Mỗi thế hệ xứng đáng có những phiên bản Godzilla và Kong riêng, ngày càng hoành tráng, chi tiết và choáng ngợp về tạo hình, kỹ xảo.
Phim Godzilla (Gorija) vào năm 1954 - Ảnh: TOHO
Godzilla - phép ẩn dụ của vũ khí hạt nhân
Tính cả Godzilla Vs. Kong, Godzilla đã có 36 phim, trở thành thương hiệu phim dài nhất thế giới. Thương hiệu này gồm 32 phim do Hãng Toho của Nhật sản xuất và 4 phim trong vũ trụ quái vật của Legendary.
Có một sự khác biệt rất lớn trong cách nhìn nhận của Nhật và Mỹ về quái vật Godzilla, phép ẩn dụ của vũ khí hạt nhân, lấy cảm hứng từ vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
Khi phim đầu tiên Godzilla (1954) ra mắt, khán giả Nhật rời rạp phim trong nước mắt. Thế nhưng, trong mắt khán giả Mỹ và toàn cầu trong mấy chục năm qua, nhân vật trở thành một hình tượng giải trí hài hước, mãn nhãn. Đôi khi người ta quên mất ý nghĩa bi thương đằng sau Godzilla.
TTO - Bảng đề cử Oscar 2021 ghi nhận sự cởi mở của Viện hàn lâm khi các nghệ sĩ và tác phẩm đa dạng chủng tộc nhất từ trước đến nay. Phim Mank (Netflix) dẫn đầu với 10 đề cử.
Xem thêm: mth.65145641252301202-iougn-hnit-oc-ol-gnohk-tav-iauq-ihk-gnok-neihc-iad-allizdog/nv.ertiout