Theo thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ngày 26-3-2021 cho biết, cơ quan này đã ra Quyết định số 835 QĐ/CTHADS ngày 25-3 gửi đến Cục quản lý Xuất nhập cảnh – Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Huang Pao Tzu (SN 1962, người Đài Loan - Trung Quốc, Giám đốc công ty TNHH Tashuan, tại lô 7-9-11, KCN Tân Tạo, P. Tân Tạo A, Q. Bình Tân TP.HCM). “Thời hạn tạm hoãn bắt đầu từ ngày 25-3-2021 đến khi thi hành án xong hoặc có bảo lãnh bằng tiền, tài sản, biện pháp khác để thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp Luật”.
Quyết định tạm hoãn xuất cảnh bắt đầu từ ngày 25-3 cũng đã được ban hành đối với bà Phan Lê Kim Liên (SN 1975) và bà Phan Lê Bảo Hương (SN 1972) cùng ngụ P12, Q10, TPHCM.
Đây là biện pháp tiếp theo của cơ quan chức năng để cấm những người này xuất cảnh khi chưa thực hiện nghĩa vụ của mình sau bản án phúc thẩm số 11/2021/KDTM-PT ngày 29-01-2021 của Toà án nhân dân cấp cao tại TP.HCM về việc “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn”. Đây là vụ án được toà kinh tế TAND TP.HCM thụ lý với thời gian "kỷ lục" hơn 10 năm và Báo CATP đã có nhiều bài phản ánh từ năm 2007 đến nay.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 25-5-1999, ông Huang Pao Tzu và ông Trần Tuấn Minh (ngụ tại Q8, TP.HCM) lập bản thoả thuận cùng nhau thành lập Cơ sở sản xuất Quảng Hưng, ông Tzu sẽ bỏ ra 100% vốn, còn ông Minh mang tư cách pháp nhân và lo liệu mọi việc sản xuất kinh doanh để chia lợi nhuận.
Đến ngày 8-10-1999, hai bên thoả thuận chấm dứt hiệu lực các thoả thuận đã ký kết trước đó, giải thể cơ sở Quảng Hưng. Sau đó, ông Minh cùng 4 thành viên khác của gia đình thành lập một Công ty mới với tên là Công ty TNHH Quảng Hưng, vốn điều lệ 8,8 tỉ đồng.
Đầu năm 2007, ông Tzu gửi đơn tố cáo ông Minh chiếm đoạt Công ty TNHH Quảng Hưng và cho rằng công ty trên là của mình. Từ việc tố cáo của ông Tzu dẫn đến ông Minh phải "trả" Công ty Quảng Hưng cho ông Tzu và ông này trả cho ông Minh 1,6 tỉ đồng (thực tế đến nay ông Minh không có nhận được đồng nào). Tiếp đó ngày 25-3-2007, ông Minh và các thành viên công ty buộc phải ký chuyển nhượng phần vốn góp vào Công ty TNHH Quảng Hưng cho bà Phan Lê Bảo Hương và Phan Lê Kim Liên (đứng tên cho ông Huang Pao Tzu) với số tiền 8,8 tỷ (đến nay các thành viên cũng đều không nhận được đồng nào). Ông Minh sau đó đã làm đơn tố cáo gửi đến Viện KSND tối cao.
Theo kết luận điều tra của Cục 6, Viện KSND tối cao thì đây là tranh chấp dân sự, vì vậy ông Minh và các thành viên đã khởi kiện ra TAND TPHCM.
Sau hơn 10 năm thụ lý, vụ án đã được xét xử sơ thẩm vào ngày 29-7-2020, HĐXX căn cứ lời khai của các bên và tài liệu liên quan đủ cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 25-3-2007 là giao dịch không có thật, không thể hiện ý chí của các bên. Bà Hương và bà Liên khai chỉ đứng tên giùm, các bên cũng không thực hiện giao dịch này. Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng là có căn cứ và tuyên ông Hoang Pao Tzu, bà Phan Lê Bảo Hương, bà Phan Lê Kim Liên phải có nghĩa vụ liên đới hoàn trả cho ông Minh cùng các cổ đông hơn 27 tỷ đồng.
Đến ngày 29-1-2021, tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đã không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bên, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TPHCM.
Đây là vụ việc để lại nhiều bài học cho các doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Dù công lý đã được thực thi, nhưng đối với ông Trần Tuấn Minh, từ một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực sản xuất nhựa, kinh doanh phát triển nhưng chỉ qua một biến cố ông đã gần như bị mất hết tài sản, mất khách hàng, mất vị trí trên thương trường. Các nạn nhân đã cầm đơn đi gõ cửa nhiều nơi và đến nay dù thu hồi được một phần tài sản nhưng doanh nghiệp xem như “đã chết”.