Cổ phiếu rẻ, cổ phiếu đắt
Hải Lý
(KTSG) - Mua cổ phiếu thị giá thấp của những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, hòa vốn hoặc có lãi ít và hy vọng chúng sẽ tăng giá cùng với trào lưu chung của thị trường, hoặc giải ngân vào những cổ phiếu cơ bản tốt, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng mạnh bất chấp đại dịch dù thị giá đã cao là hai xu hướng đang thịnh hành nhưng trái ngược nhau đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Hai xu hướng này tạo sự phân hóa lớn giữa các nhóm cổ phiếu, đồng thời xô đẩy dòng tiền về các ngả khác nhau.
Những công ty tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, tốc độ 50-100%/năm - nếu tìm đúng, nhà đầu tư có khả năng có cả gia tài sau 5-6 năm sở hữu mà không phải ngày ngày mất công ngó bảng điện tử. Ảnh: THÀNH HOA |
Trào lưu cổ phiếu rẻ
Ở trào lưu thứ nhất, một phần dòng tiền đang ngự trị và tiếp tục chảy về sàn Hnx, UpCom với những cổ phiếu rẻ hơn cả mớ rau ngoài chợ. Những công ty xây dựng, xây lắp, bất động sản, đầu tư tài chính thuộc “họ” Lilama, Sông Đà, Xây lắp điện, công ty chứng khoán siêu nhỏ, nhiều năm liền không có lãi... Một số công ty khai thác khoáng sản đã ba bốn năm nay không có doanh thu... Thị giá của chúng đang ở mức 2.000-5.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí thấp hơn như FID (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam), ACM (Công ty cổ phần Khoáng sản Á Cường)...
Những công ty dạng trên đã nhiều năm không chia cổ tức, hoạt động lay lắt, nhưng giá trị sổ sách của chúng vẫn còn cao hơn thị giá.
Trong khoảng thị giá từ 5.000-10.000 đồng/cổ phiếu, có rất nhiều doanh nghiệp không thua lỗ, làm ăn hòa vốn hoặc lợi nhuận vẻn vẹn vài trăm triệu đồng/năm, như SD2, SD6, SD9 là các công ty con của Tổng công ty Sông Đà, hay VE3, VE4, VE1, VE2... là các công ty cổ phần xây dựng điện; những công ty chứng khoán như SBS, WSS, VIG, HBS...; những công ty đầu tư tài chính như DST, ITQ...
Hầu hết cổ phiếu thị giá rẻ đã tăng hơn 100%, ít nhất cũng 50% trong 5-6 tháng qua. Theo những công ty chiếm thị phần môi giới cao trên sàn Hà Nội, các nhà đầu tư F0 thông thường có vốn dưới 500 triệu đồng/người, rất ít tham gia đầu tư các cổ phiếu thị giá rẻ. Đa phần họ chọn những doanh nghiệp tên tuổi, các blue-chip và nhất là cổ phiếu ngân hàng. Có thể do cổ phiếu ngân hàng thanh khoản cao, dễ mua dễ bán.
Cổ phiếu rẻ (tạm gọi như vậy) thực ra lại đang là sân chơi của nhà đầu tư Fn, đặc biệt những nhóm nhà đầu tư có khả năng liên kết, tạo sóng, hy vọng “gạn đục khơi trong”, “đãi cát tìm vàng”. Đó là một công việc vất vả và rủi ro vì các cổ phiếu thị giá thấp rất khó có sức bật.
Hiếm lắm mới có thể “góp nhặt” được một số cổ phiếu của doanh nghiệp dạng này làm ăn có lãi, chia cổ tức tiền mặt tầm 10%/năm cho cổ đông như ICG (Công ty Sây dựng Sông Hồng); SD5 (Công ty Sông Đà 5); XMC (Công ty Đầu tư Xây dựng Xuân Mai); TTC (Công ty Gạch men Thanh Thanh)... Thanh khoản của những cổ phiếu trên khá thấp, vài chục ngàn đơn vị/phiên. Một khi giải ngân, nhà đầu tư cần chuẩn bị tư tưởng nắm giữ lâu dài.
Dòng cổ phiếu tăng trưởng
Không phải ngẫu nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền nhộn nhịp suốt nhiều tháng qua. Các ngân hàng, thông qua tin tức từ tài liệu họp đại hội đồng cổ đông, đều dự kiến chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu ở mức 20-40% cho năm 2020. Hơn nữa, thị giá cổ phiếu ngân hàng phù hợp với nhiều đối tượng đầu tư, loại dưới 20.000 đồng, từ 20.000-30.000 đồng, quanh 40.000 đồng/cổ phiếu... đều có cả. Về quy mô có ngân hàng nhỏ - trung bình - lớn đủ cho nhà đầu tư lựa chọn.
Sau ngân hàng, nhóm doanh nghiệp trong rổ chỉ số Diamond là những cổ phiếu có mức tăng trưởng ổn định cao như FPT, MWG, PNJ, REE, NLG, KDH... Các cổ phiếu này gần như luôn đầy room nước ngoài. Với không ít nhà đầu tư, mua hay bán các cổ phiếu trên đòi hỏi suy xét cẩn trọng vì chúng đang ở mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi niêm yết. Về lý thuyết cổ phiếu vượt đỉnh với dòng tiền mạnh là tín hiệu tốt để mua và nắm giữ lâu dài. Dẫu thế chứng khoán Việt Nam vẫn chịu sức ép rất lớn của tâm lý đám đông. Một khi thị trường điều chỉnh, các cổ phiếu tốt như trên cũng không thoát khỏi xu hướng bị bán tháo như bất kỳ cổ phiếu nào khác.
Các cổ phiếu blue-chip thượng hạng như VNM, VHM, VRE, VIC, MSN, VCB, SAB, HPG, GAS... đang ghi nhận mức tăng trưởng về giá kém hấp dẫn hơn thị trường chung, cho dù các doanh nghiệp này vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Đây là những doanh nghiệp lợi nhuận ngàn tỉ, thậm chí trên mười ngàn tỉ đồng, quy mô khủng, cánh chim đầu đàn của nền kinh tế. Không thể đòi hỏi các doanh nghiệp doanh thu 5-7 tỉ đô la Mỹ/năm tăng trưởng liên tục hai chữ số nhiều năm liền. Có điều chắc chắn, mua cổ phiếu những “ông lớn” này, nhà đầu tư dài hạn có thể bỏ vào tủ khóa lại, chúng sẽ sinh lời sau vài năm.
Điểm sáng nhất của chứng khoán là những công ty tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, tốc độ 50-100%/năm, với các chỉ tiêu tài chính lành mạnh. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp như thế trên Hose. Tìm ra chúng là công việc kiên nhẫn của nhà đầu tư. Nếu tìm đúng, nhà đầu tư có khả năng có cả gia tài sau 5-6 năm sở hữu mà không phải ngày ngày mất công ngó bảng điện tử.
Xem thêm: lmth.tad-ueihp-oc-er-ueihp-oc/687413/nv.semitnogiaseht.www