Dân làng cùng xây và chăm nom những ngôi mộ - Ảnh: ĐỨC TÀI
Ông Bùi Thanh Thọ, trưởng thôn An Thiện, cùng một số người trong làng đứng nhìn nơi các phần mộ vô chủ mới được xây xếp thành từng hàng với ánh mắt mãn nguyện. Những ngôi mộ đất hoang lạnh, cỏ dại mọc đầy giờ đã được xây mới bằng ximăng sạch đẹp. Năm khu nghĩa địa với hơn 3.500 "ngôi nhà" tươm tất của những người đã khuất. "Mình sống có nhà, người chết cũng phải có nhà đàng hoàng chứ" - ông Thọ bộc bạch.
Làng An Thiện có nhiều ngôi mộ không có tên tuổi, không người thân nằm xen kẽ ở các thửa ruộng, nghĩa địa, giữa vườn nhà dân. Mồ vô chủ ở làng nhiều đếm không xuể. Năm 2018, dân làng đã cùng ngồi họp, bàn cách quy tập một số mộ, xây mới những ngôi mộ vô chủ và làm các khu nghĩa địa. Buổi họp lấy ý kiến được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của dân.
"Nhưng một điều khó là dân làng còn nghèo, lấy tiền đâu mà làm. Thế là chúng tôi phát đi những thông báo, bằng nhiều kênh riêng như mạng xã hội Facebook, kêu gọi con cháu làm ăn xa quê ủng hộ tiền của. Người dân cũng ủng hộ mạnh mẽ, góp tiền, công sức cho việc của làng" - ông Thọ nhớ lại.
Ai có tiền góp tiền, ai có công góp công, cùng nhau đồng lòng làm chút gì đó cho người đã khuất. Ban vận động đi gõ cửa từng nhà, liên lạc với những người đang làm ăn xa quê để kêu gọi kinh phí. Ông Phạm Đình Sang (48 tuổi, thôn An Thiện), người trong ban nghi lễ và vận động, kể rằng không chỉ đóng góp kinh phí mà nhiều người còn bỏ hơn mấy chục ngày công để tham gia bốc mộ, di chuyển, xây mới các phần mộ.
"Qua từng năm, số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp ngày một nhiều, số phần mộ vô chủ được xây mới ngày càng nhiều lên" - ông Sang nói.
Từ năm 2018 đến nay, người dân thôn An Thiện đã xây mới bằng ximăng khoảng 3.320 phần mộ ở 5 khu nghĩa địa gồm khu vực nghĩa địa Phù, Dương, Sát, Bông, Doanh với tổng kinh phí thực hiện hơn 200 triệu đồng, gần 1.400 ngày công từ nhân dân. Ngoài ra, người dân ở đây còn góp tiền của, công sức quy tập nhiều mộ, xây dựng thêm 3 miếu thờ tự, lo hương khói những linh hồn đã khuất.
Tất cả các phần mộ vô chủ hiện đã được xây mới, không còn ngôi mộ nào nằm đất mộ hoang. Người dân thôn An Thiện xem những ngôi mộ vô danh này cũng giống như những phần mộ của người thân mình.
Được người dân chọn là người chăm non, hương khói cho miếu thờ vào những ngày lễ và ngày rằm, ông Nguyễn Minh Tân (56 tuổi, thôn An Thiện) cho hay: "Dù không biết người dưới mộ là ai, quê quán, người thân ở đâu, nhưng với dân làng chúng tôi thì xem họ là ông bà, tổ tiên, người thân của mình".
Ngày hai mươi tháng chạp âm lịch mỗi năm, dân làng An Thiện lại góp tiền làm chạp mã, cúng kính những ngôi mộ vô chủ tại ba miếu thờ ở làng. Những nén nhang được người dân thắp lên các ngôi mộ như một sự sẻ chia đến các linh hồn đã khuất. "Qua việc này chúng tôi muốn dặn con cháu mình là phải có tấm lòng sẻ chia, yêu thương, đùm bọc" - ông Tân tâm sự.
Ông Trần Văn Dự - chủ tịch UBND xã Tam An - cho biết ở thôn An Thiện người dân chăm nom, hương khói cho những phần mộ này giống như những phần mộ của người thân trong gia đình. "Địa phương ghi nhận những tấm lòng đẹp đẽ ấy của người dân An Thiện" - ông Dự nói.
Ông Võ Thy Mô, cán bộ ban văn hóa xã Tam An, cho biết trải qua các thời kỳ lịch sử, vì nhiều lý do mà những phần mộ này không có con cháu chăm lo hương khói. “Người dân nơi đây nhận thức được trách nhiệm chăm lo, tu sửa đàng hoàng những phần mộ vô chủ đó cũng chính là việc làm mang đạo lý hướng về nguồn cội, tiên tổ của mỗi người, mỗi dòng họ. Dân làng An Thiện đã làm một điều hết sức trân quý, thể hiện nét đẹp tình người Việt Nam” - ông Mô nói.
TTO - Ngoài 16 ngôi mộ còn người thân nhưng nghèo không có tiền chôn cất, ông Nguyễn Văn Sáng, tự Tám Hiệu đã xây thêm 115 ngôi mộ người dưng. Nghĩa cử của ông bao nhiêu năm nay đã được bà con trong thị xã Long Khánh, Đồng Nai biết đến.
Xem thêm: mth.37933921182301202-om-iogn-0003-mahc-gnuc-gnal-ac/nv.ertiout