Logistics cho thương mại điện tử lại 'hụt hơi'
Chánh Trung
(KTSG Online) - Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ cho thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục không theo kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực kinh tế này.
Dịch vụ giao nhận hàng hóa bằng xe máy phục vụ TMĐT hiện được đánh giá chưa thực sự hiệu quả. Ảnh: ĐVCC |
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cũng như của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này hiện nay khoảng 30%, và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì liên tục trong giai đoạn 2019 - 2025. Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, hàng loạt sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn. Hiện nay số lượng khách hàng truy cập mua sắm trên các sàn tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Tuy nhiên hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ giao nhận trong chuỗi logistics cho TMĐT vẫn “ì ạch” so với nhu cầu thực tế.
Tại TPHCM, TMĐT đang phát triển rất nhanh với mức tăng trưởng gấp đôi so với mức tăng trung bình của cả nước. Tuy nhiên, công tác tổ chức và cung cấp dịch vụ hậu cần (logistics) cho hoạt động này tại TPHCM vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn – Tổng Giám đốc sàn TMĐT Tiki – gọi đây cái nút thắt cổ chai của TMĐT Việt Nam. Lý do, theo ông Thái Sơn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường bán lẻ hàng hóa qua kênh thương mại điện tử. Có thể thấy số lượng trang TMĐT nhiều hơn, nhiều trang có số lượng giao dịch trong ngày lên đến hàng chục nghìn đơn hàng, tốc độ phát triển cũng được ghi nhận gia tăng 20-30%, nhu cầu sử dụng TMĐT của người dân ngày càng tăng. Thứ duy nhất lẽ ra nên cùng tăng theo sự tăng trưởng của bán lẻ và TMĐT này là Logistics TMĐT lại chậm chạp giữ tốc độ "rùa bò". Logistics cho TMĐT gồm có hạ tầng giao thông giao nhận và kho bãi tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng lại chưa được quan tâm đúng mức.
Giải “nút thắt cổ chai” về hạ tầng, giao nhận: Chuyện dài
Nhu cầu về kho bãi, giao nhận của các doanh nghiệp hiện nay quá lớn nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. “Nút thắt cổ chai” lớn trong phát triển TMĐT của TPHCM hiện nay nằm ở khâu giao nhận hàng, bởi chúng ta đang dựa nhiều vào dịch vụ vận chuyển bằng xe máy. Việc vận chuyển bằng hình thức này mang tính đơn lẻ, chưa thực sự hiệu quả và lãng phí. Bên cạnh đó chúng tôi hiện nay phải đi thuê lại các cơ sở thứ cấp bậc 2, bậc 3 để mở rộng các trung tâm logistics tuy nhiên lại bị vướng thủ tục hành chính không triển khai được. Vì vậy, chúng tôi phải thuê lại dài hạn nhà xưởng và bỏ rất nhiều tiền để điều chỉnh, sửa chữa lại để có một trung tâm logistics hoàn chỉnh”.
Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận Agility vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Mặc dù vậy, theo Agility, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như đầu tư vào công nghệ cao của Việt Nam còn thiếu kỹ năng và kiến thức để sản xuất hàng hóa có giá trị cao nhất. |
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết: “cùng với sự phát triển TMĐT thì dịch vụ logistics cũng phải tăng trưởng tương ứng để kịp thời vận chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị trường chủ yếu là các đơn vị giao nhận, chuyển phát... trong nước có quy mô nhỏ, chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường nếu TMĐT bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Còn doanh nghiệp logistics phục vụ TMĐT có quy mô lớn, có đầu tư công nghệ hiện đại với mạng lưới phủ kín khắp các tỉnh, thành trên cả nước cũng còn khá khiêm tốn”.
Bên cạnh đó các chuyên gia về TMĐT cho biết hiện nay tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát tại Việt Nam còn khá cao trong các giao dịch sản phẩm hữu hình của TMĐT. Ngoài ra, người tiêu dùng ít nhiều còn e ngại về thời gian giao hàng không đúng cam kết, khó truy vết người bán hay khâu trả lại hàng còn nhiều phức tạp. Kết quả là giá mua hàng trực tuyến không thấp hơn nhiều so với mua hàng theo phương thức truyền thống. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của TMĐT.
Rào cản lớn nhất mà ngành logistics cho TMĐT đang gặp phải là việc ít doanh nghiệp trong ngành ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao, mà đa phần áp dụng các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% ứng dụng công nghệ đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, trao đổi dữ liệu điện tử, khai báo hải quan, quản lý kho hàng, vận tải… trong khi đó dịch vụ logistics lại thường hoạt động theo chuỗi, ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết thêm.
Dựa vào chuyển đổi số logistics
Các chuyên gia về TMĐT cho biết các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam phải tiến hành chuyển đổi số, có sự đầu tư công nghệ, độ kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng trong dịch vụ vận tải và logistics. Bên cạnh đó phải thay đổi để thích nghi và phát triển hoặc chấp nhận bị cạnh tranh và thôn tính.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú tâm phát triển thêm khu vực logistics chuyên biệt cho TMĐT xuyên biên giới và nhập khẩu. Với xu hướng mua sắm qua mạng ngày càng phổ biến thì chuỗi cung ứng logistics cần được cắt ngắn lại. Cần bỏ bớt khâu trung gian để hàng hóa đi thẳng từ tổng kho của nhà phân phối đến tay người tiêu dùng.
Đề xuất TPHCM cần tập trung mở rộng kho bãi, quy hoạch hạ tầng giao thông để giải quyết vấn đề giao nhận, tối ưu hóa việc giao hàng theo tuyến. Chúng tôi kiến nghị TPHCM nên xem xét lại quy hoạch logictics. Bên cạnh đó, thay vì để mỗi doanh nghiệp tự thân vận động, cần có chính sách cho đa dạng loại hình giao thông như xe điện để giảm tình trạng người giao hàng chuyên nghiệp (shipper) hoạt động tự phát, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho hay. |
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), cho biết mới đây đã triển khai Hệ thống chia chọn tự động tại trung tâm vận chuyển và kho vận miền Trung với định hướng xây dựng hạ tầng bưu chính, tập trung phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ TMĐT và logistics.
Hệ thống chia chọn đã được Bưu điện Việt Nam tích hợp với các hệ thống CNTT, các ứng dụng bản đồ số Vmap, mã địa chỉ Vpostcode… để xây dựng quy trình liên hoàn, đồng bộ và tối ưu từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn đến phát hàng hóa tại địa chỉ khách hàng yêu cầu.
Bên cạnh đó, hệ thống chia chọn bưu kiện tự động cũng có khả năng xử lý các loại bưu gửi có trọng lượng, kích thước đa dạng, phù hợp với các loại hàng hóa trong lĩnh vực TMĐT. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã và đang triển khai kế hoạch xây dựng, kiện toàn, hiện đại hóa các trung tâm khai thác vận chuyển vùng. Xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đảm bảo phục vụ nhu cầu khai thác, vận chuyển hàng hóa giao thương giữa các tỉnh, thành phố, các khu vực trên khắp cả nước. Từ đó sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT và logistics trong thời gian tới.
Hiện tại, Viettel Post Miền Nam đã xây dựng hai trung tâm chính gồm trung tâm chia chọn và trung tâm hoàn tất đơn hàng (Fulfillment). Trong trung tâm này sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ, như nhập hàng vào kho, lưu kho, xử lý đơn hàng, dán nhãn, xuất hàng, chia chọn, vận chuyển bằng việc ứng dụng công nghệ robot AGV vận chuyển hàng hóa và lưu trữ tự động, sắp xếp hàng hóa và điều phối đơn một cách ngẫu nhiên dựa theo tối ưu đường đi. Dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ cung cấp giải pháp toàn diện cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng kinh doanh TMĐT.
Việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực logistics sẽ giúp cắt giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh logistics quốc gia. Người lao động của các doanh nghiệp logistics cũng được chuyển từ môi trường làm việc tay chân sang môi trường làm của thế hệ mới - thệ hệ 4.0, đại diện Viettel Post cho biết thêm.
Bộ Công Thương cho biết theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 645/QĐ-TTg đã đề cập đến giải pháp chuyển đổi số, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT.
Trong đó giải pháp đặt ra yêu cầu có sự cải tạo, phát triển hạ tầng logistics, cụ thể: cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics. Khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT. Bên cạnh đó khuyến khích các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu tới chặng cuối. Và nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị.
Thêm vào đó, cần xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến các dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho TMĐT bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước mở rộng ra khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Ban hành hệ thống tiêu chuẩn cho dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng trong TMĐT, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chỉ. Bên cạnh đó phải phát triển nền tảng Bản đồ số Việt Nam để hỗ trợ phục vụ cho công tác quản lý trực tuyến dịch vụ bưu chính, vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho TMĐT trên phạm vi toàn quốc.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank), thị trường logistics dành cho TMĐT Việt Nam hiện có quy mô lên đến 560 triệu đô la. Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post, cho biết: “tại Việt Nam, hiện doanh nghiệp logistics nước ngoài đang kiểm soát đến 80% dòng chảy hàng hóa. Nếu chúng ta không thay đổi, vươn mình, làm chủ về công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, một ngày nào đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ “biến mất” trên chính đất nước mình”. |
Xem thêm: lmth.-ioh-tuh-ial-ut-neid-iam-gnouht-ohc-scitsigol/449413/nv.semitnogiaseht.www