Lại lùm xùm về đề tài được giải
Kể từ năm 2011 đến nay, đã chín lần cuộc thi được tổ chức, xét lại khách quan thì kết quả được áp dụng khá ít nhưng những lùm xùm, tố cáo sau mỗi cuộc thi luôn xuất hiện.
Chỉ vài tiếng sau khi cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2021 kết thúc, đã có ý kiến phản ánh về việc một trong 12 dự án đạt giải nhất có sự trùng lặp với một dự án từng tham gia cuộc thi này năm 2019.
Cụ thể, giải nhất thuộc về dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình bị tố sao chép “Dự án giường I.o.T (năm 2019) giúp người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa” cũng của chính học sinh Trường THPT Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình dự thi. Cả hai dự án đều do một giáo viên hướng dẫn.
Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được thông tin trên và yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình báo cáo.
Trả lời báo chí, phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình khẳng định cùng một giáo viên hướng dẫn nên không bao giờ có chuyện lặp lại cái cũ. Theo lý giải của ông, hai dự án mặc dù có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau.
Đây cũng không phải lần đầu cuộc thi này vướng phải lùm xùm, trước đó vào năm 2019, sau khi cuộc thi kết thúc 5/15 giải nhất, 10 giải nhì và bốn giải ba có giải pháp, kết quả trùng lặp với các sản phẩm, nghiên cứu trước, không có sự cải tiến, đột phá riêng (thể hiện rất rõ trên poster). Các giải này cũng bị phụ huynh yêu cầu Bộ GD&ĐT vào cuộc thẩm định lại.
Sau khi có kết quả thẩm định từ Bộ GD&ĐT, nhiều phụ huynh ở Hải Phòng tiếp tục phản đối vì cho rằng kết quả thẩm định không công bằng.
Học sinh TP.HCM tham dự vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu KHKT diễn ra hồi tháng 1. Trong ảnh: Học sinh đang trao đổi với ban giám khảo về đề tài của mình. Ảnh minh họa: TN
Có nên duy trì cuộc thi?
Đề cập đến vấn đề trên, GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng sản phẩm nghiên cứu khoa học không được trùng lặp.
Năm 2019 “Nghiên cứu ứng dụng gối thông minh Dream Pillow trong hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ” cũng có đề tài tên tiếng Anh tương tự, các vấn đề đặt ra nghiên cứu cũng trùng nhau.
“Do vậy, ban chấm thi cuộc thi này phải trả lời tại sao đề tài trùng như vậy mà vẫn chấm đề tài có tính sáng tạo. Vì theo nguyên tắc nghiên cứu và chấm thi với một sản phẩm khoa học giá trị cốt lõi nhất, cơ bản nhất là sản phẩm phải không trùng lặp, nếu trùng lặp phải chứng minh được tác giả nghiên cứu trước” - ông Dong nói.
Theo ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc TTGDTX Hà Tĩnh, hai tác giả đạt giải nhất năm 2019 hiện đã ra trường, hai năm sau, không hiểu sao đề tài tương tự lại đạt giải nhất quốc gia năm 2021.
“Xem qua các cuộc thi tôi thấy còn khá nhiều tồn tại như các đề tài vượt quá tầm của học sinh, không thực chất, không có tính ứng dụng, chấm không khách quan. Ví dụ như một số đề tài “chữa ung thư”, “điều trị xơ vữa động mạch”, “hoại tử”” - ông Vỵ nói.
Ông Vỵ cho rằng nếu có thống kê đầy đủ, ông tin rằng tỉ lệ trùng lặp đề tài/dự án, ý tưởng của cuộc thi qua các năm là rất lớn. Một điều trùng hợp nữa là hầu hết đề tài, dự án không có khả năng ứng dụng, sản xuất tung ra thị trường.
“Dù mục đích ban đầu là tạo sân chơi rất tốt nhưng cuộc thi KHKT đã đi quá xa theo hướng tiêu cực và không thực chất. Tôi cũng như nhiều giáo viên cho rằng Bộ GD&ĐT hãy dừng lại càng sớm càng tốt, tránh để lại những hệ lụy không đáng có cho thế hệ trẻ” - ông Vỵ nói.
Ngược lại, cô VK, giáo viên một trường THPT tại TP.HCM, lại có quan điểm khác. Thực tế nhiều năm qua, cuộc thi này cũng có nhiều lùm xùm, có nhiều đề tài quá sức với học sinh, tuy nhiên cô K. cho rằng không nên dừng cuộc thi này. Bởi đây là một hoạt động học tập, nghiên cứu của học sinh, tạo tiền đề để các em đam mê nghiên cứu. “Như trường tôi, học sinh mê nghiên cứu khoa học bởi các em được làm, được khẳng định bản thân mình qua các sản phẩm. Đây là một sân chơi để các em nghiên cứu, còn hơn sau giờ học các em tìm đến những trò chơi vô bổ” - cô K. nói thêm.
“Lùm xùm hay không chủ yếu là do người lớn, còn học sinh như tờ giấy trắng” - cô K. chia sẻ. Do đó, không riêng cuộc thi này, bất kỳ cuộc thi nào quan trọng nhất chính là cách thực hiện. Đặc biệt khâu tổ chức phải chặt chẽ, nhất là ban giám khảo của cuộc thi phải có trình độ chuyên môn, thực sự công tâm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh cần thiết để phát huy tính năng động, sáng tạo và khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Trước những sự cố xảy ra, nên chăng bộ cần có những quy định tránh sự trùng lặp về mặt đề tài. Mặt khác, để đánh giá thực chất thì Bộ GD&ĐT cần có những quy định, tiêu chí cụ thể. Điều này cần được thống nhất trong hội đồng thi, ban giám khảo. Đồng thời ngoài việc đánh giá dựa trên sản phẩm nghiên cứu, những đề tài có giải ban tổ chức nên có cuộc gặp gỡ thêm với tác giả, nhóm tác giả để tìm hiểu sâu hơn. Từ đó có cách đánh giá khách quan và chính xác hơn.
Cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm nay có 91 dự án đoạt giải thưởng trên tổng số 141 dự án dự thi (chiếm 64,5%). Trong đó, có 12 giải nhất, 19 giải nhì, 26 giải ba và 34 giải tư. Bên cạnh đó, ban tổ chức trao tặng 30 giải triển vọng. |