Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP
"Trong cuộc thảo luận của tôi với nhóm, họ đã chia sẻ những khó khăn trong việc tiếp cận các dữ liệu thô. Tôi hi vọng các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ toàn diện và kịp thời hơn về dữ liệu" - ông Tedros nói.
Trong báo cáo cuối cùng, viết chung với các nhà khoa học Trung Quốc, nhóm điều tra do WHO dẫn đầu đưa ra 4 giả thiết về nguồn gốc của virus corona. Báo cáo cho rằng virus "nhiều khả năng" đã lây từ động vật sang người, trong khi khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra", theo Hãng tin Reuters.
Mặc dù báo cáo kết luận việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm rất khó có khả năng xảy ra, nhưng ông Tedros cho rằng cần điều tra thêm về vấn đề này, có khả năng phải thực hiện nhiều sứ mệnh hơn với Trung Quốc.
"Tôi không tin đánh giá này đủ rộng. Chúng ta sẽ cần thêm dữ liệu và nghiên cứu thêm để đưa ra kết luận chắc chắn hơn" - Tổng giám đốc WHO thêm.
Ông Peter Ben Embarek, trưởng nhóm điều tra, nói "rất có thể" virus đã lưu hành tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 10 hay tháng 11-2019, và có khả năng đã lây lan ra nước ngoài sớm hơn những gì được ghi nhận vào thời điểm đó.
Ông Embarek cho biết nhóm đã tiếp cận nhiều dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn gặp một số hạn chế về dữ liệu thô. Ông Embarek khẳng định nghiên cứu giai đoạn 2 là điều bắt buộc nếu muốn làm sáng tỏ nguồn gốc của virus corona.
Ông Embarek thêm rằng nhóm của ông chịu áp lực rất lớn, từ cả trong và ngoài Trung Quốc nhưng nhấn mạnh ông chưa bao giờ bị ép buộc phải xóa bất cứ kết luận nào trong báo cáo cuối cùng vừa công bố.
Cuộc họp báo chung ngày 9-2-2021 giữa các chuyên gia WHO và Trung Quốc ngay sau khi kết thúc cuộc điều tra kéo dài 1 tháng ở thành phố Vũ Hán - Ảnh: AP
Phản ứng sau khi WHO công bố báo cáo nguồn gốc virus corona, Mỹ và 13 nước đồng minh phương Tây đã bày tỏ quan ngại về báo cáo này. Mỹ, Canada, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Úc, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia, và Anh kêu gọi Trung Quốc cho phép các chuyên gia độc lập "tiếp cận toàn diện" tất cả dữ liệu về đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên ở nước này vào cuối năm 2019.
"Nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2 (virus corona gây bệnh COVID-19) đã bị trì hoãn đáng kể và thiếu sự tiếp cận toàn diện với các dữ liệu thô ban đầu", Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước phương Tây khác nói trong một tuyên bố chung.
EU nói nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu là "bước quan trọng đầu tiên" nhưng tiếp tục chỉ trích việc nghiên cứu nguồn gốc virus đã bắt đầu quá muộn. EU cho rằng các chuyên gia đã bị trì hoãn quá lâu để đến được Trung Quốc, và bị hạn chế trong việc tiếp cận các dữ liệu và các mẩu bệnh phẩm ban đầu.
Ông Walter Stevens, đại sứ EU tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), kêu gọi nghiên cứu thêm với "khả năng tiếp cận kịp thời các điểm liên quan và tất cả dữ liệu liên quan sẵn có về con người, động vật và môi trường".
Trung Quốc ngay từ đầu đã bác bỏ giả thiết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán.
"Các hành động chính trị hóa việc tìm kiếm nguồn gốc virus sẽ chỉ cản trở nghiêm trọng sự hợp tác toàn cầu về vấn đề này, làm suy yếu các nỗ lực chống dịch toàn cầu và gây thêm thiệt hại về nhân mạng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
TTO - Hãng tin AP ngày 29-3 dẫn bản dự thảo báo cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung Quốc về nguồn gốc virus corona cho biết 'khả năng cao' virus lây nhiễm từ động vật sang người, và khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm 'rất khó xảy ra'.