Theo các chuyên gia, sở dĩ tình trạng kinh doanh hàng giả các mặt hàng xăng dầu vì lợi nhuận trong ngành này quá lớn, trong khi các quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở.
Xăng giả, cây xăng cũng giả
Liên quan đến đường dây 200 triệu lít xăng giả, ngày 29.3, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết tiếp tục khám xét thêm 2 doanh nghiệp xăng dầu.
Lực lượng công an đã thu giữ nhiều tài liệu, hóa đơn chứng từ liên quan đến đường dây sản xuất buôn bán xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TPHCM) cầm đầu và còn hai người khác được xác định là người giữ vai trò điều hành 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Vụ việc này cũng dấy lên câu hỏi trách nhiệm quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu. Mặt khác, nó cũng cho thấy các quy định hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, trong kinh doanh xăng, dầu, tỷ lệ thuế, phí chiếm đến 50 - 60% đối với giá thành xăng và khoảng 40% với dầu.
“Nếu buôn lậu thì họ đã lãi tương ứng đến 60% với xăng và 40% với dầu. Còn nếu làm giả, thì lãi thêm 10 - 15%. Như vậy, gần như “buôn 1 lãi 10”.
Ông M - một thương nhân phân phối xăng dầu cho Lao Động biết, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, do Nhà nước quản lý, nên các quy định cơ chế chính sách đặt ra phải đảm bảo cho việc quản lý hoạt động này lành mạnh, phát triển, an toàn, an ninh năng lượng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay phải tuân thủ rất nhiều quy định, do nhiều cơ quan quản lý như Bộ Công an, Cảnh sát biển, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Chính vì có quá nhiều đơn vị quản lý như vậy, ông M cho rằng "rất dễ xảy ra tình trạng nhiêu khê".
Theo thương nhân này, vì là mặt hàng kinh doanh thiết yếu, đã được tính các mức phí thuế và lợi nhuận vào giá. Do đó, nếu làm giả hay nhập lậu đều khiến Nhà nước thất thoát số tiền khổng lồ.
Cụ thể, mỗi lít xăng chịu 4.000 đồng/lít tiền thuế môi trường; 4.000 đồng/lít (khoảng 42%) các loại thuế, phí. Như vậy, mỗi lít xăng giả, doanh nghiệp đút túi ít nhất 8.000 đồng, chưa kể còn được hưởng chiết khấu chung khoảng 1.100 - 1.200 đồng/lít. Mỗi chuyến tàu chở dầu nhỏ cỡ 10.000m3, doanh nghiệp kiếm được hàng chục tỉ đồng…
“Trăm hoa đua nở”
Liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng xăng dầu, đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, Bộ Công an cho biết, thực tế hiện nay nước ta có 38 doanh nghiệp là đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong khi nhiều nước công nghiệp phát triển có số lượng doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ít hơn.
Trong đó, Hàn Quốc có 5 doanh nghiệp; Trung Quốc 5 doanh nghiệp; Nhật Bản 4 doanh nghiệp; Singapore 5 doanh nghiệp… Vì vậy, để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” về đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, cần quy định theo hướng chỉ cấp phép cho doanh nghiệp, không cấp cho cá nhân kinh doanh độc lập.
Đồng quan điểm, ông M cho hay, muốn quản lý tốt xăng dầu nên để cho một đơn vị quản và chịu trách nhiệm.
"Bây giờ phải quy định khi để xảy ra sai phạm trong vấn đề kinh doanh xăng dầu thì đơn vị nào phụ trách theo chuyên môn phải chịu trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc. Tốt nhất là nên quy về một mối", ông M nói.
Theo Bộ Công an, thời gian vừa qua, công tác quản lý về số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ còn nhiều bất cập, sơ hở.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua lẻ xăng dầu thường không cần hóa đơn, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này để tuồn xăng dầu giả, xăng dầu lậu với số lượng lớn ra tiêu thụ (vụ tiêu thụ 137 triệu lít xăng giả, 1,6 triệu lít dầu DO giả của nhóm đối tượng Trịnh Sướng; vụ bắt giữ 2 triệu lít xăng giả tại Nghệ An…).
Bộ Công an yêu cầu đơn vị soạn thảo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cần quy định bắt buộc kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng các bể chứa xăng dầu và kết nối dữ liệu cột bơm bán hàng tại cửa hàng, đại lý xăng dầu đến cơ quan thuế.
Xem thêm: odl.343498-ioum-ial-tom-noub-aig-gnuc-gnax-yac-aig-gnax/et-hnik/nv.gnodoal