vĐồng tin tức tài chính 365

Phía sau động thái bán ròng của khối ngoại

2021-03-31 15:33

Phía sau động thái bán ròng của khối ngoại

Hoàng Thắng

(KTSG Online) - Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ gia tăng, triển vọng phục hồi của thị trường Việt Nam thấp hơn các quốc gia khác là nguyên nhân chính khiến khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo các chuyên gia.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ đón nhận dòng vốn mới từ khối ngoại trong qúi 2 và 3 - 2021. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán MB (MBS) – cho biết nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó đợt bán ròng gần đây nhất do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm liên tục gia tăng khiến đồng tiền ở tất cả các thị trường mới nổi, như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Brazil giảm giá so với đô la Mỹ.

“Điều này khiến các nhà đầu tư quốc tế ngay lập tức nghĩ đến việc phải bảo toàn vốn và nhanh chóng rút ra", ông Sơn nói tại buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững" vào sáng nay, 31-3.

Cũng theo ông Sơn, đồng won (KRW) giảm giá khoảng 4% so với đô la Mỹ khiến quỹ KIM (Korea Investment Management) rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô hơn 60 triệu đô la Mỹ tính từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, các thị trường như Mỹ, Nhật Bản đang thể hiện tiềm năng tăng trưởng tốt hơn thị trường Việt Nam, dù mức lãi suất ở Việt Nam hiện duy trì ở mức thấp nhất 10 năm. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang có xu hướng hạ đòn bẩy tài chính, còn cung tiền có xu hướng suy giảm nhanh do nguy cơ vỡ nợ trái phiếu gia tăng.

“Điều này báo hiệu rủi ro tín dụng, phần nào ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán châu Á, qua đó tạo áp lực bán ròng lên thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – cho rằng, dòng tiền hiện đang tìm đến thị trường có sức bật và cơ hội tăng trưởng tốt hơn. Ngoài ra, các quỹ đầu tư truyền thống đang hoạt động kém hiệu quả.

Theo đó, thời điểm mà phần lớn các quỹ rút ròng ra khỏi thị trường cổ phiếu là trong năm 2020 – giai đoạn thị trường toàn cầu xuống đáy. Trong khi đó, vốn bơm thêm vào các quỹ hoán đổi danh mục ETF tăng rất mạnh trong năm vừa qua.

Đây là làn sóng dịch chuyển từ quỹ truyền thống sang quỹ ETF có chi phí quản lý thấp hơn, khiến dòng tiền rút ra khỏi các quỹ truyền thống trong thời gian qua khá mạnh.

Ngoài ra, ông Minh cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm thị trường khác hấp dẫn hơn do xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức rủi ro cao.

Điều này – theo ông Minh – khiến nhà đầu tư không thể tin tưởng vào báo cáo tài chính để đưa ra quyết định đầu tư, mà phải gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp. Nhưng dịch Covid-19 khiến hoạt động này không thể diễn ra, gây ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) – cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài lo lắng việc Việt Nam xuất hiện trong danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

“Việc này có thể ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của tỷ giá, vì vậy họ phải hành động sớm”, ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn, nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá quy mô "bơm tiền" hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ không lớn. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020 chủ yếu là hoãn, giãn thuế. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế trở lại từ năm 2021.

“Nhà đầu tư nước ngoài cũng tiên lượng vấn đề đó để rút vốn sớm trước thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn trở lại”, ông Sơn nói thêm.

Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tiến hành cơ cấu lại danh mục đầu tư sau một thời gian thị trường tăng trưởng nóng, theo ông Sơn.

Cụ thể, thời điểm khối ngoại đầu tư vào thị trường Việt Nam cách đây 6-12 tháng, khi chỉ số VN-Index dao động ở mức 700 điểm. Nhưng hiện chỉ số này đã tiệm cận mức 1.200 điểm.

"Chẳng nói đến nhà đầu tư nước ngoài, nếu tôi có đầu tư thì thời điểm này tôi cũng rút vốn", ông Sơn chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ không rút hẳn vốn khỏi thị trường Việt Nam. Hiện họ đang tiến hành tái cơ cấu danh mục và chờ đợi giải ngân vào thời điểm thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh. 

Nguyên nhân để ông Sơn đưa ra nhận định này là những kỳ vọng của các quỹ đầu tư nước ngoài về việc chỉ số VN-Index có thể vươn lên mức 1.400 - 1.500 điểm. 

"Khối ngoại kỳ vọng một chu kỳ đầu tư mới khi rổ VN30 có sự thay đổi, thị trường đón nhận nhiều mã cổ phiếu mới tham gia. Vì vậy việc họ đảo danh mục tôi nghĩ là rất bình thường", ông Sơn cho biết.

Xem thêm: lmth.iaogn-iohk-auc-gnor-nab-iaht-gnod-uas-aihp/740513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phía sau động thái bán ròng của khối ngoại”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools