Miễn thuế với cá nhân tự trồng
Liên quan mua bán lan đột biến, đại diện Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đã có nhiều chỉ đạo cơ quan thuế địa phương tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động này.
Trả lời phóng viên Tiền Phong, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp (DN) nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết, lan thường là sản phẩm nông - lâm nghiệp, được phép mua bán như các sản phẩm tương tự khác. Với lan, nếu do người dân (nông dân) tự làm ra, tự trồng và chăm sóc, được mua bán và miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập dù giá cao đến đâu.
Theo bà Lan, việc tính thuế (tùy loại thuế) áp dụng với hoạt động thương mại, tức người mua sản phẩm của nông dân làm ra và bán lại cho bên thứ 3; cá nhân, tổ chức kinh doanh sản xuất và bán sản phẩm (trừ khu vực khó khăn); cá nhân thuê người khác nuôi, trồng để bán sản phẩm... “Để xác định giao dịch mua bán nào là thương mại để tính thuế, cơ quan thuế địa phương phải phối hợp với chính quyền xác minh. Nếu giao dịch mang tính chất thương mại sẽ buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ thuế”, bà Lan nói.
Cụ thể, với VAT, miễn thuế các trường hợp: lan do DN, tổ chức trồng và bán ra; lan do DN, hợp tác xã (HTX) nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho DN, HTX ở khâu kinh doanh thương mại. Trường hợp lan do DN, HTX nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân, tổ chức khác kinh doanh phải kê khai, nộp thuế VAT mức 5%. Trường hợp lan do DN, HTX và tổ chức kinh tế khác nộp thuế VAT theo phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị gia tăng, khi bán phải kê khai, nộp thuế VAT tỷ lệ 1% trên doanh thu.
Với thuế thu nhập DN, Tổng cục Thuế khẳng định, tổ chức, DN có thu nhập từ việc bán lan phải nộp thuế này. Tuy nhiên, nếu DN có thu nhập từ bán lan trồng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, được miễn thuế thu nhập DN.
Với hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thuộc diện chịu thuế, phải nộp thuế VAT tỷ lệ 1%, và thuế thu nhập cá nhân tỷ lệ 0,5% trên giá trị mua bán. Với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp trồng lan và bán (chưa chế biến thành các sản phẩm khác), được miễn thuế VAT, miễn thuế thu nhập cá nhân.
Dễ lách thuế
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật thương mại, ĐH Luật TPHCM cho rằng, quy định về quản lý thuế với hoạt động mua bán lan đột biến đã đầy đủ; thu thuế hiệu quả hay không nằm ở vai trò của cơ quan thuế địa phương. Theo quy định, nhà vườn trồng lan vẫn phải chịu thuế, chỉ người dân trồng tự phát được miễn thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế phải chứng minh được đó là lan của nhà vườn bán ra, không phải giao dịch cá nhân. Ở đây cần tới vai trò của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã, cơ quan quản lý thuế địa phương để kiểm tra, xử lý vi phạm và truy thu thuế.
Tuy vậy, theo ông Nam, muốn lách thuế không khó, vì trồng lan không cần đất, thành thị hay nông thôn đều được, ai cũng có thể trồng và bán. Dễ dàng biến lan mua thành lan do mình tự trồng sau đó bán lại. “Mua bán lan đột biến hiện nay tương tự mua bán cây cảnh trước đây, cũng thổi giá, làm giá, thậm chí tiềm ẩn mục đích rửa tiền, đa cấp. Cây cảnh dễ thổi giá hơn vì phụ thuộc sở thích người chơi, không ai nói được, lan đột biến còn phải chứng minh là đột biến, nhưng nếu không thấy hoa cũng khó nói”, ông Nam nhận định.
Về lâu dài, phải quản lý được tiền mặt trong dân và tăng cường giao dịch không dùng tiền mặt, từ đó kiểm soát dòng tiền trên thị trường để điều tra giao dịch đáng ngờ. Một số quốc gia quy định người dân có một lượng tiền mặt nhất định phải khai báo, giải trình. “Nếu vẫn thói quen dùng tiền mặt, sẽ rất khó kiểm soát thuế. Rồi tương lai, không chỉ có lan đột biến, còn nhiều nữa những loại mua bán bất thường như vậy”, ông Nam nói.
Theo Lê Hữu Việt
Tiền phong
Xem thêm: nhc.15224636113301202-neib-tod-nal-hcid-oaig-euht-uht-ohk-oas-iv/nv.zibefac