Nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường và DN ngoài chương trình bắt đầu áp dụng mức giá mới từ ngày 1-4 là bởi áp lực tăng giá đầu vào quá lớn.
Không đủ bù đắp chi phí
Từ sáng nay, 1-4, các siêu thị, cửa hàng, sạp chợ... trong danh sách điểm bán hàng bình ổn mặt hàng lương thực, thực phẩm tại TP HCM đồng loạt áp dụng giá mới cho mặt hàng trứng gà là 29.500 đồng/hộp 10 trứng, trứng vịt 35.000 đồng/hộp 10 trứng; tăng lần lượt 1.500 đồng và 2.000 đồng/hộp so với trước.
Nhiều mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường chưa tăng giá đợt này
Tương tự, các mặt hàng thịt gia cầm (nguyên con và pha lóc) trong chương trình bình ổn thị trường cũng bắt đầu được áp dụng giá mới. Đơn cử, gà công nghiệp có giá 45.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), gà thả vườn 67.000 đồng/kg (tăng 8.000 đồng/kg), vịt 68.000 đồng/kg (tăng 6.000 đồng/kg), gà ta 92.500 đồng/kg (tăng 8.500 đồng/kg)...
Ở lĩnh vực thực phẩm chế biến, một số DN sản xuất bột các loại vừa thông báo tăng giá bán đến các đại lý và siêu thị với mức khoảng 15% từ đầu tháng 4 này. Trước đó, các mặt hàng sữa, dầu ăn, gia vị, mì gói, hàng đông lạnh... cùng nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm đã lần lượt tăng giá từ đầu tháng 3.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cho biết với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng, giá bán trứng theo chương trình bình ổn chỉ tăng khoảng 5% trong khi chi phí đầu vào tăng hơn 20%. Ngoài ra, DN này còn tăng thêm quyền lợi cho khách hàng bằng cách tăng trọng lượng trứng gà bình ổn lên 65 g/trứng thay vì 60 g/trứng như lâu nay.
Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, mức giá mới dù phần nào giúp DN cân đối chi phí song chưa tương xứng với tốc độ tăng chi phí đầu vào do giá cám tăng liên tục. "Quan trọng hơn là việc tăng giá bán giúp thu hẹp chênh lệch giá trong chương trình bình ổn với giá thị trường, giải quyết được mối lo thiếu hụt nguồn cung do các trang trại giảm đàn nếu giá không được điều chỉnh" - ông Thiện nhìn nhận.
Hiện tại, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Aeon, Lotte Mart, MM Mega Market, Emart... vẫn tiếp tục nhận được đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp với mức 5%-7%, một số mặt hàng được đề xuất tăng trên 10%. "Các DN sản xuất, kinh doanh đều đứng trước áp lực phải tăng giá để bù lỗ do giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao. DN bán lẻ cũng phải gồng gánh chi phí đầu vào tăng trong khi sức mua không khả quan, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận" - giám đốc marketing một hệ thống siêu thị lớn phản ánh.
Đại diện hệ thống Aeon Việt Nam cho biết đang cố gắng thương lượng với các nhà cung cấp để có mức giá tốt nhất. Nếu không thể kéo giảm mức tăng, Aeon sẽ chấp nhận giảm biên lợi nhuận để giá bán không tăng cao.
Ồ ạt khuyến mãi
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số DN bày tỏ lo ngại biến động giá sẽ khiến sức mua tiếp tục sụt giảm trong ngắn hạn. DN buộc phải tìm giải pháp kích cầu trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng. Trước mắt, để sức mua không giảm thêm, ngay trong tháng 4, DN sản xuất và bán lẻ phối hợp đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá; tập trung vào nhóm hàng tươi sống, hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngoài ra, các DN cũng đưa ra nhiều ưu đãi về quyền lợi thành viên để thu hút khách hàng.
Ghi nhận tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, nhóm thực phẩm tươi sống như thịt, cá, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây và thực phẩm sơ chế được giảm giá 15%-20%; thực phẩm công nghệ nằm trong danh mục nhu yếu phẩm gồm gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, nước tương… giảm giá mạnh 30% - 50%. Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C và Tops Market, toàn bộ sản phẩm thịt heo giảm giá 10%; rau ăn lá giảm giá 30%. Lotte Mart giảm giá đến 50% các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm...
Đặc biệt, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chủ động đề xuất Sở Tài chính TP HCM tiếp tục giữ ổn định giá thịt heo trong chương trình bình ổn để kích cầu tiêu thụ, dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 10%, tức đủ điều kiện xin điều chỉnh giá cho năm 2022. Trường hợp giá heo hơi tiếp tục tăng, DN không thể cân đối được nữa thì sẽ đề nghị xem xét tăng giá.
Về lâu dài, DN bày tỏ mong muốn có sự phối hợp và tiếng nói chung giữa nhà sản xuất và nhà phân phối dưới sự kết nối của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét điều chỉnh giá nhóm hàng bình ổn.
"Nếu được nhà phân phối hỗ trợ giảm thêm chiết khấu, nhà sản xuất sẽ có điều kiện tăng sản lượng, cung cấp cho thị trường lượng hàng hóa lớn hơn, giúp ổn định giá cả và nguồn cung, sức mua từ đó sẽ cải thiện" - giám đốc một DN thực phẩm ở TP HCM đề xuất.
Cần giải pháp bền vững
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), năm 2022, diễn biến chung của giá xăng dầu, những biến động về chính trị - xã hội thế giới sẽ tác động rất lớn đến CPI. Vì vậy, các DN bình ổn thị trường mong muốn có được sự hỗ trợ mang tính bền vững để DN chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức sản xuất và cung ứng ra thị trường. "Saigon Co.op đã triển khai 6 giải pháp chính trong năm 2022, tập trung vào chương trình bình ổn thị trường. Trong đó, chú trọng địa phương hóa nguồn hàng, cụ thể là với những mặt hàng thiết yếu, bắt buộc phải dùng nguồn hàng tại địa phương để tối ưu hóa chi phí" - ông Đức cho hay.
Xem thêm: mth.33850221213302202-ua-ol-auv-aig-gnat-auv/et-hnik/nv.moc.dln