Việc tổ chức các chương trình tập thể, ngoại khóa là một trong những phương pháp chống trầm cảm cho học sinh. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM trong một hoạt động ngoài lớp học - Ảnh: H.HG.
Áp lực đôi khi chính là những thử thách mà nếu chúng ta vượt qua thì sẽ trưởng thành. Phụ huynh hãy đồng hành cùng con chứ đừng suy nghĩ hộ rồi làm thay cho con mình.
ThS Nguyễn Viết Đăng Du
'Bị bạn thân nghỉ chơi đã thấy cuộc đời không còn ý nghĩa. Xin xăm hình trái tim trên gáy hoặc xin mua điện thoại đời mới nhưng ba mẹ không cho thì đòi tự tử... Giới trẻ bây giờ hiểu biết rộng nhưng rất mềm yếu'.
"Nếu nói về áp lực học hành thì thời của chúng tôi còn áp lực hơn bây giờ. Hồi ấy, kỳ thi tuyển sinh vào đại học là sống còn. Thi rớt thì ôn luyện rồi năm sau thi lại chứ không có nhiều lựa chọn, không có nhiều con đường vào đại học như hiện tại".
Đó là tâm sự của ThS Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Theo thầy Du, cái chính là nhiều học sinh bây giờ thiếu kỹ năng đối phó với những áp lực trong cuộc sống. Bởi áp lực thì người nào cũng phải gặp, ở thời nào cũng có, chỉ là nó thay đổi từ dạng này sang dạng khác mà thôi.
Vì đâu nên nỗi?
Thừa nhận thực trạng giới trẻ ngày nay mong manh, dễ vỡ, TS tâm lý Đào Lê Hòa An, cố vấn cấp cao Tổ chức giáo dục AEG Việt Nam, cho rằng: "So với thế hệ trước thì thế hệ trẻ bây giờ đa số đều có điều kiện ăn học rất tốt. Mỗi gia đình thường chỉ có từ 1-2 con nên nhiều phụ huynh nuôi dạy con theo hướng bảo bọc, lo cho con đầy đủ từ A đến Z. Từ nhỏ đến lớn các em sống trong sung sướng, đủ đầy, đến khi gặp chút khó khăn thì việc các em không biết cách giải quyết vấn đề, không thể chịu đựng được áp lực cũng dễ hiểu".
Kể lại câu chuyện của mình, V.H. - học sinh lớp 12 một trường THPT ở quận 1 - bày tỏ: "Từ mầm non đến THCS tôi đều học ở các ngôi trường nổi tiếng với những giáo viên nổi tiếng. Mọi thứ đến với tôi đều suôn sẻ, thuận lợi theo kiểu muốn gì được nấy. Thế nên việc tôi thi rớt lớp 10 trường THPT chuyên là một cú sốc lớn không chỉ với bản thân tôi mà với cả gia đình. Tôi chới với và chìm sâu vào cảm giác tội lỗi, tự ti. Tôi không muốn sống nữa và âm thầm tìm cách thực hiện ý định ấy".
H. thú nhận bản thân mình từng có ý nghĩ tự tử vì thiếu kỹ năng đối diện với thất bại: "Ngày ấy, nếu mẹ không đưa tôi đi gặp bác sĩ tâm lý thì tôi không thể nào nhận ra chân lý cuộc đời. Rằng thi rớt cũng là chuyện thường thôi mà. Rớt trường này thì tôi học trường khác, có sao đâu. Tôi hiểu ra đâu phải cứ học trường nổi tiếng mới thành đạt".
"Giới trẻ bây giờ hiểu biết rộng nhưng rất mềm yếu. Chỉ cần gặp một việc không như ý là các em nghĩ đến cái chết. Có học sinh tâm sự với tôi là không còn thấy cuộc đời này có ý nghĩa gì nữa khi bị bạn thân nghỉ chơi. Xin xăm hình trái tim trên gáy nhưng ba mẹ không cho, có em cũng đòi chết cho ba mẹ biết tay. Có em xin mua điện thoại đời mới nhưng ba mẹ không cho cũng dọa tự tử..." - một giáo viên tư vấn tâm lý ở một trường trung học tại TP Thủ Đức kể.
Học nhưng phải được trải nghiệm
ThS Nguyễn Thu Hà, chuyên viên tư vấn tâm lý Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú, nhận định rằng học sinh tuổi teen bây giờ ít có sự trải nghiệm từ cuộc sống thực tế. Các em có kiến thức từ sách vở rất nhiều, rất rộng nhưng khi gặp tình huống thực tế thì bối rối, không biết giải quyết như thế nào cho đúng.
Về lối ra, TS Đào Lê Hòa An đề xuất học sinh ngày nay cần được dạy và rèn kỹ năng quản lý cảm xúc (để nếu có cảm xúc tiêu cực các em sẽ biết cách giải tỏa); kỹ năng ra quyết định; kỹ năng vượt khó, đối diện với áp lực trong cuộc sống...
"Phụ huynh nên ý thức tầm quan trọng của vấn đề này và tạo ra các tình huống cho con trẻ tự giải quyết, đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân. Tức là học kỹ năng nhưng phải cho trẻ được va chạm, trải nghiệm. Ba mẹ làm thay con càng nhiều thì con sẽ học được càng ít" - ông An nói.
Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du đặt vấn đề: "Nhiều người thường đổ lỗi rằng người lớn (bao gồm cả phụ huynh và giáo viên) đang để cho trẻ cô đơn nên các em mới nghĩ đến chuyện tự tử. Các em có nỗi niềm, có sự bức xúc nhưng không biết chia sẻ cùng ai.
Tôi lại thấy học sinh tuổi teen bây giờ có rất nhiều kênh để phản ánh suy nghĩ, tâm tư của mình. Nếu không nói được với cha mẹ, các em có thể tâm sự với bạn bè, thầy cô chủ nhiệm, giãi bày trên trang confession của trường mà mọi người không biết mình là ai... Vậy tại sao các em không chia sẻ? Tôi nghĩ những em không chia sẻ là vì em đang bị trầm cảm".
Theo thầy Du, để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, phụ huynh và giáo viên cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để sớm phát hiện trẻ bị trầm cảm. Mà đã trầm cảm thì các em phải được đi khám bác sĩ tâm lý để chữa trị.
Cần được chia sẻ kịp thời
Học sinh tuổi teen (nhất là những em cuối cấp THCS và đầu cấp THPT) thường chưa có sự chín chắn trong suy nghĩ và sự ổn định trong nhận thức. Các em rất dễ thay đổi về tâm trạng, cảm xúc. Với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống nếu các em không nhận được sự chia sẻ kịp thời, bản thân lại thiếu kỹ năng đối mặt và giải quyết thì lâu dần sẽ tích tụ và dễ bột phát thành những hành động đáng tiếc.
TS tâm lý ĐÀO LÊ HÒA AN
Bình thường là điều tuyệt vời nhất!
Mỗi đứa trẻ sinh ra trên đời đều chở những ước mong giản dị mà thiêng liêng của mẹ cha. Đó là niềm hạnh phúc ngập tràn sau 9 tháng 10 ngày ấp ủ mầm sống được lắng nghe lời thông báo từ bác sĩ: "Con bình thường nhé!".
Bình thường là điều tuyệt vời nhất! Cha mẹ có hay chăng chúng ta đã từng ao ước đến cháy lòng được nhìn thấy hình hài bình thường vừa lọt lòng mẹ, mắt reo vui theo ánh nhìn trong veo của con, tai rộn ràng theo từng thanh âm trong trẻo thốt ra từ khuôn miệng bé xinh...
Tiếc thay ước mơ dung dị lúc ban sơ về một đứa trẻ sinh ra bình thường, phát triển bình thường, trưởng thành bình thường bỗng va chạm chan chát với "cơn lốc" biến trẻ thành thần đồng, thiên tài ngoài kia. Nhà nhà chạy đua chi tiền cho con theo đuổi các lớp năng khiếu. Người người ào ào đưa con đến lớp học thêm, học kèm, học trung tâm và mải miết ngước nhìn "con nhà người ta".
Mỗi nấc thang lớn khôn của trẻ giờ mang áp lực phải giỏi, giỏi xuất sắc, giỏi toàn diện. Mỗi bước ngoặt cuộc đời của trẻ đều được cha mẹ định hướng, lắm khi can thiệp quá sâu: thi trường nào, học môn gì, phấn đấu ra sao cho sự nghiệp... Và trong "cơn say" thành tích cùng giấc mơ về một tương lai rạng rỡ dành cho con trẻ, chúng ta quên mất hỏi trẻ rằng đó có phải môn học con yêu thích, năng khiếu con muốn trui rèn, ngành nghề con mơ ước...
Chúng ta thấm thía nỗi vất vả của con khi gò lưng học hành quanh năm suốt tháng nhưng đành ngoảnh mặt làm ngơ bởi tự mình an ủi: "Bố mẹ chỉ muốn tốt cho con!". Chúng ta cắt xén giờ ăn, ngủ, nghỉ - vốn dĩ là nhu cầu bình thường của trẻ để dành trọn cho việc học rồi lắm lúc bật hỏi đầy day dứt: "Sao con vô tâm đến thế?".
Rồi khi trẻ không giỏi như ta ao ước và chẳng thành tài như ta kỳ vọng, lòng ta lại quay quắt muộn phiền. Ta chất vấn trẻ và làm con đau bằng chính lời nói cay nghiệt, ánh mắt tức giận, thái độ dằn hắt và hành động vô tâm của mình. Ta tìm cách xoa dịu cơn thất vọng của mình mà quên mất đứa trẻ trước mặt đang buồn bã và âu lo, bi quan và tuyệt vọng.
Những đứa trẻ trong vòng ôm bảo bọc của mẹ cha bỗng gánh lấy kỳ vọng lớn lao và chuyên chở ước mơ của bậc sinh thành từ bao giờ? "Bình thường là điều tuyệt vời nhất!" - khát vọng ấy phải chăng chênh chao, hao hụt dần theo từng bước trưởng thành và nấc thang thành tích của con trẻ?
Riêng tôi, tôi chỉ mong con là một người bình thường đủ đầy ý chí học hành, nghị lực lập nghiệp với ánh mắt lạc quan, thái độ sống tích cực và trái tim giàu yêu thương. Chỉ cần con biết gieo trồng và vun xới những hạt giống tốt tươi làm đẹp cho cuộc đời là trái tim mẹ cha đã ngập tràn hạnh phúc!
Giá như mọi ông bố bà mẹ đều sẽ hài lòng với chính đứa con của mình...
THANH NGUYỄN
TTO - Đây là lời khuyên của các chuyên gia dành cho phụ huynh khi thời gian gần đây tình trạng có nhiều trẻ em bị áp lực tâm lý, thậm chí có những em đã tự giải thoát bằng biện pháp tiêu cực.