VN-Index có lúc tăng gần 15 điểm trong sáng đầu tuần 4/4, phá vỡ đỉnh thiết lập cách đây 3 tháng để xác lập mốc mới 1.530,47 điểm song đến cuối phiên lại giảm nhẹ, và đến chiều chỉ còn tăng hơn 8 điểm, tuy nhiên vẫn cản phá mốc 1.500 điểm.
Chứng khoán phiên 4/4 dừng tại mốc 1.524 điểm, tương ứng tăng 0,54%. Toàn sàn có 254 mã tăng giá, 187 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.
Dòng tiền diễn biến phân hóa tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30. Chốt phiên, chỉ số đại diện nhóm này tăng 5 điểm so với tham chiếu với 17 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 10 mã giảm giá. Trong nhóm này, nhiều cổ phiếu giữ vai trò kéo chỉ số chung như GVR, NVL, GAS, MSN... Một số mã lại kìm đà tăng của thị trường như FPT, TCB, MBB...
Điểm đáng chú ý của thị trường bên cạnh sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn thì các cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái FLC Group của ông Trịnh Văn Quyết cũng bất ngờ giao dịch khả quan.
Toàn bộ 6 mã FLC, ROS, ART, KLF, AMD và HAI đều tăng kịch trần ngay từ phiên sáng. Hôm 1/4, Chủ tịch Đặng Tất Thắng trong văn bản gửi các cơ quan chức năng bày tỏ lo ngại doanh nghiệp có khả năng bị thâu tóm khi khối lượng sang tay của FLC lên tới 100 triệu cổ phiếu một phiên. Dù vậy, mã này cùng các mã liên quan đi ngược lại với thông tin, liên tục khớp lệnh hàng chục triệu đơn vị. Nhiều thời điểm trắng bên bán.
Nhóm cổ phiếu họ FLC đồng loạt tăng trần
Dòng tiền hôm nay đổ mạnh về nhóm cổ phiếu chứng khoán. Các cổ phiếu đua nhau tăng giá mạnh, trong đó, VND, CTS, FTS và ART đều được kéo lên mức giá trần. MBS có thời điểm tăng 6,6% song cuối ngày chỉ còn tăng gần 1%, VIX tăng 6,1%...
Mã chứng khoán SSI hôm nay cũng tăng 4,9%. CTCP Chứng khoán SSI mới đây đã thông báo ký thành công và hoàn tất giải ngân hợp đồng vay vốn tín chấp từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài trị giá 148 triệu USD (gần 3.400 tỷ đồng). Đây là hợp đồng tín chấp nước ngoài lớn nhất mà một công ty chứng khoán Việt Nam tiếp cận được cho đến nay.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa rõ rệt. Một số mã tăng từ 1-4%, tác động tích cực đến thị trường như ACB, KLB, OCB, VBB... song các mã khác lại giảm điểm, thu hẹp đà tăng như TCB, SHB, VCB, BID, HDB... Đặc biệt, VPB nằm trong top những cổ phiếu được sang tay mạnh nhất. Mã này có khối lượng giao dịch đột biến lên tới hơn 9,1 triệu đơn vị khớp lệnh sau 40 phút giao dịch. Đến cuối ngày con số này nâng lên hơn 24 triệu. Mới đây, thông tin từ lãnh đạo VPBank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I/2022 của ngân hàng có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhóm phân bón hôm nay đi ngược diễn biến thị trường khi giảm mạnh, có mã giảm kịch sàn. DPM của Phân bón Hóa chất Dầu khí giảm kịch sàn, điều tương tự cũng xảy đến với BFC của Phân bón Bình điền. Hay như DCM hôm nay cũng giảm tới 4,9%, LAS giảm 2%, SFG giảm 3,3%... Cổ phiếu hóa chất cũng diễn biến tương tự. CSV giảm 5,02%, DGC giảm 3,07%...
Cổ phiếu bất động sản hôm nay cũng giảm mạnh, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, có thời điểm giảm gần chạm sàn sau đó được nâng đỡ khi dòng tiền quay trở lại. DXG giảm 6,2%, QCG giảm 4,4%, IDI giảm 4,3%, TDH giảm 3,9%, HQC giảm 3,4%, VPH giảm 3,2%...
Cổ phiếu nhà Vingroup dù không tăng mạnh song biến động tích cực. VIC tăng 0,73% song do số lượng cổ phiếu lưu hành và vốn hóa lớn nên vẫn nằm trong nhóm tác động tích cực nhất đến thị trường, VHM tăng nhẹ, VRE phiên sáng tăng song đến hết ngày lại quay về mốc tham chiếu.
Thị trường cũng ghi nhận phiên tăng trần với biên độ 10% của cổ phiếu POT (Công ty CP Thiết bị Bưu Điện - Postef) sau thông tin dự án 61 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) rục rịch khởi động. Dự án Công trình Đa chức năng của Postef được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 1/2/2019, đã hoàn thành các thủ tục xin đấu nối điện, nước, PCCC và tháng 5/2020, UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Postef cho biết công ty đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục khởi công dự án để khởi công trong năm 2022.
Khối ngoại hôm nay mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, khối lượng mua ròng hôm nay thấp hơn các hôm trước. Tổng khối lượng mua ròng hôm nay chỉ đạt 1.484 tỷ đồng song lượng bán cũng lên tới 1.464 tỷ đồng khiến chênh lệch chỉ đạt gần 20 tỷ đồng. VNM tiếp tục là mã được khối ngoại mua nhiều nhất với 116 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được mua khối lượng lớn, đạt 77,7 tỷ đồng. Một vài mã khác được mua khối lượng vài chục tỷ đồng có thể kể đến SSI, DGC, GMD, GAS, PLX, CTG... Một vài mã bị bán nhiều hôm nay có thể kể đến HPG (73 tỷ đồng), NLG (65 tỷ đồng), VIC, PNJ, DIG, DGW, PVT...
Thanh khoản sàn HoSE hôm nay đạt 26.751 tỷ đồng, giảm so với phiên cuối tuần trước. Riêng nhóm VN30 có thanh khoản lên tới gần 8.300 tỷ đồng với 165 triệu cổ phiếu được sang tay. Sàn HNX thanh khoản cũng đạt tới hơn 2.800 tỷ đồng.