Thời gian vừa qua, người dân trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là đường Vành đai 2, Võ Chí Công,... phản ánh việc những chiếc xe gắn máy được độ pô lưu thông vào ban đêm với tốc độ cao phát ra tiếng gầm rú, ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.
Không chỉ nẹt pô gây náo loạn đường phố, nhiều thanh niên còn điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng trở thành nỗi khiếp sợ của người dân sinh sống 2 bên đường.
Vào tối 2/4 và rạng sáng nay (3/4), các tổ Cảnh sát 141 - công khai kết hợp ngụy trang, trên tuyến đường Võ Chí Công (Tây Hồ, Hà Nội), đã phát hiện xử lý hàng loạt thanh niên điều khiển xe phân khối lớn, nẹt pô, lạng lách đánh võng, gây rối trật tự công cộng và mất an toàn giao thông.
Pô xe máy hay ống xả là bộ phận quan trọng của bất kỳ chiếc xe máy nào. Ống pô xe máy có nhiệm vụ đưa khí thải ra bên ngoài giúp biến đổi, giảm âm thanh của luồng khí khi xe vận hành. Tuy nhiên, một số thanh niên trẻ lại muốn độ pô để thể hiện cái tôi, sự đẳng cấp của mình.
Độ pô xe máy nhằm mục đích là để thay đổi kết cấu của pô xe, làm cho tiếng nổ của xe to hơn, "ngầu" hơn.
Tuy nhiên, hành vi độ pô xe này lại hoàn toàn bị nghiêm cấm theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể tại Điều 8 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm gồm có hành vi: "Lắp đặt hay sử dụng còi, đèn mà không đúng các thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới và nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị âm thanh dẫn đến gây mất trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông".
Độ pô xe máy sẽ bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm c, khoản 5, điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định mức xử phạt hành chính cho lỗi vi phạm của độ pô xe máy như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Ngoài ra, nếu điều khiển môtô độ pô vào buổi tối và gây mất trật tự còn có thể bị xử lý dựa theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tại điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt hành chính cho hành vi gây tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến người xung quanh. Các mức xử phạt như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân có hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Bên cạnh đó, nếu vi phạm quy định về chuẩn tiếng ồn thì người vi phạm cũng có thể bị xử phạt theo nghị định 155/2016/NĐ-CP. Mức phạt cho hành vi này tùy thuộc theo mức độ tiếng ồn vượt quá quy định. Mức phạt cao nhất lên đến 160 triệu đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.97232845150402202-oan-eht-tahp-ux-ib-es-oac-od-cot-ex-yahc-yam-ex-op-od/taul-pahp/nv.vtv