Nhân viên y tế tại TP.HCM hỗ trợ xét nghiệm cho người dân - Ảnh: THU HIẾN
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM hôm 4-4, bà Lê Thiện Quỳnh Như - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - khẳng định hằng năm các cơ sở y tế công lập ở TP.HCM đều xảy ra tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc với rất nhiều lý do như đi làm xa, môi trường làm việc không phù hợp, đặc biệt có nguyên nhân đến từ thu nhập chưa như mong đợi.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, có thể thấy đợt dịch COVID-19 kéo dài suốt hơn 2 năm qua đã vắt kiệt sức của nhiều nhân viên y tế, kéo theo làn sóng xin nghỉ việc trong lực lượng này có xu hướng tăng.
Cụ thể số liệu thống kê cho thấy nếu như cả năm 2020 tại TP.HCM chỉ có 597 người nghỉ việc thì đến năm 2021 con số này tăng gần gấp đôi khi có hơn 1.000 người. Và mới chỉ trong quý 1-2022 đã có 400 người nghỉ việc, chiếm gần 70% so với cả năm 2020.
Nhưng phải thừa nhận thực tế trong số nhân viên y tế xin nghỉ việc có không ít người đã tìm được "bến đỗ" mới tốt hơn về cả điều kiện vật chất lẫn môi trường làm việc để phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Đa phần số này chuyển dịch từ bệnh viện công sang bệnh viện - phòng khám tư, thông qua chiến lược ráo riết "săn đầu người" của các "ông lớn" trong ngành y.
Tuy vậy, cũng có rất nhiều nhân viên y tế chẳng đặng đừng phải nói lời chia tay nghề nghiệp, vốn là giấc mơ, "ưu tiên phấn đấu hàng đầu" suốt bao năm qua. Lao vào nhịp sống thường nhật, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh anh bác sĩ trẻ chuyển từ nghề "tay phải" sang kinh doanh bất động sản; cô điều dưỡng - hộ lý "tăng ca" làm bảo mẫu hoặc buôn bán hàng online. Tất cả đều là mưu cầu chính đáng trước áp lực cơm, áo, gạo, tiền... đè nặng trên đôi vai của họ.
Một giám đốc bệnh viện nói rằng làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc là điều tất yếu khi mà cơ chế, chính sách đảm bảo tối thiểu nhu cầu cuộc sống và phát triển nghề nghiệp còn gặp quá nhiều rào cản. Và để "chữa cháy" cho sự rơi rụng nhân sự này, đòi hỏi các cơ sở y tế phải linh động chắp vá con người, dồn tua trực, tăng giờ làm...
Nhưng dù cố gắng đến mấy, các hoạt động khám chữa bệnh ít nhiều đều bị gián đoạn và cuối cùng không ai khác, người bệnh chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Nên nhớ rằng nghề y là một nghề đặc biệt, trực tiếp liên quan đến sức khỏe và sinh mạng của con người. Đào tạo ngành y cũng đặc biệt không kém khi chương trình và số năm học dài hơn nhiều ngành nghề khác, đó là chưa kể để đào tạo ra một bác sĩ giỏi nghề, giàu y đức đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Chúng ta vẫn thường kỳ vọng và đòi hỏi ở người thầy thuốc phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, từ giàu lòng nhân ái đến việc phải bắt trúng - đúng bệnh và đặc biệt phải lấy người bệnh làm trung tâm, xem việc cứu người bệnh làm mục đích hành đạo...
Nhưng chúng ta quên mất một điều mà dân gian thường nhắc "có thực mới vực được đạo", chỉ khi nhân viên y tế thực sự đủ sống và sống tốt bằng chính nghề nghiệp của mình thì lúc ấy mới có thể toàn tâm toàn ý thực hiện mục đích cao cả của người thầy thuốc là phục vụ người bệnh...
TTO - “Làn sóng” nghỉ việc của nhân viên y tế lại tiếp diễn khiến nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực. Sở Y tế TP.HCM cho biết trong tuần này HĐND TP sẽ tổ chức họp và thông qua các chính sách hỗ trợ nhằm giữ chân nhân lực y tế.
Xem thêm: mth.67531017060402202-eht-uhn-iaoh-ihgn-oh-ed-gnud/nv.ertiout