Tòa nhà hiện chỉ còn dãy nhà phía mặt phố Hùng Vương chưa bị tác động nhiều. Các kiến trúc sư góp ý có thể giữ dãy nhà này tích hợp cùng công trình mới giống như phương án từng được làm với di tích Hỏa Lò - Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-4, Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cho biết việc cho phép phá dỡ công trình nhà máy cũ trăm tuổi được giới chuyên môn đánh giá có giá trị kiến trúc rất độc đáo này vì công trình này không nằm trong danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Sở khẳng định các bước phê duyệt dự án cao ốc 4 mặt tiền tại 61 Trần Phú đều đúng quy định, quy trình.
Cao ốc Postef phải đóng góp hiệu quả cho cảnh quan khu Ba Đình
Về căn cứ pháp lý phê duyệt dự án, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết khu đất nêu trên thuộc khu trung tâm chính trị Ba Đình (lô G1), yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình" được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký tháng 12-2013.
Tìm hiểu của Tuổi Trẻ, bản điều chỉnh quy hoạch này có nêu rõ: khu đất này (lô G1) có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên không quy định chiều cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%. Ông Kỳ Anh nói các con số này được Sở Quy hoạch - kiến trúc đưa ra để tương đồng với tòa nhà Văn phòng Quốc hội nằm đối diện bên phố Trần Phú. Chủ đầu tư ban đầu đã đề xuất chiều cao công trình lớn hơn thế.
Về kiến trúc công trình bị cho là "khủng khiếp", ông Anh cho biết chủ đầu tư đã tổ chức thi tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn để lựa chọn phương án tối ưu. Còn Sở Quy hoạch - kiến trúc cũng lấy ý kiến của Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch TP và các ý kiến cơ bản thống nhất đầu tư xây dựng công trình đa chức năng tại đây.
Tuy nhiên, là một trong số các thành viên Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch TP, KTS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội - nói với Tuổi Trẻ việc "đổ lỗi" Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch đồng ý là không thỏa đáng vì ý kiến của hội đồng chỉ có giá trị tham khảo, trong khi thực tế dự án đã được chấp thuận từ năm 2016.
Một thành viên Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch Hà Nội khác, KTS Hoàng Đạo Kính cho biết không phải tất cả thành viên hội đồng đều được lấy ý kiến.
Ông Anh cũng cho biết chủ đầu tư đã theo đuổi dự án này gần 10 năm, bắt đầu khoảng từ 2015 - 2016.
Tháng 1-2017, Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng này, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư lấy ý kiến chuyên gia và tiếp tục hoàn thiện hình thức kiến trúc công trình sao cho đảm bảo có tính thống nhất với các công trình lân cận, đóng góp hiệu quả cho không gian kiến trúc cảnh quan trong tổng thể khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Phải rà soát cho phù hợp quy hoạch mới
Góp ý cho phương án kiến trúc của công trình, ông Hoàng Đạo Kính nói quy mô công trình và hình ảnh kiến trúc, ngôn ngữ kiến trúc không phù hợp, không ăn nhập vào khu gần Ba Đình.
Về căn cứ pháp lý, ông Đào Ngọc Nghiêm thừa nhận tại thời điểm phê duyệt dự án thì đúng quy định, tuy nhiên tháng 3-2021, Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu của khu trung tâm Ba Đình, trong đó có nhiều quy định mới, tháng 9-2021 đã công bố các bản vẽ, thì dự án đã được phê duyệt không phù hợp với quy hoạch phân khu này và chưa thực hiện thì phải dừng lại, rà soát thay đổi.
Bởi Luật quy hoạch đô thị ban hành 2009 có quy định khi quy hoạch thay đổi, các dự án chưa thực hiện mà không phù hợp với quy hoạch mới thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Ông Nghiêm cho biết Hà Nội vừa qua phải rà soát gần 370 dự án chậm thực hiện, trong đó đề xuất mấy chục dự án phải bỏ nhưng dự án Postef này lại không được rà soát.
Về việc Sở Quy hoạch - kiến trúc chấp thuận chiều cao công trình là 11 tầng để tương đồng với tòa nhà Văn phòng Quốc hội bên cạnh, ông Nghiêm nói phải lấy quy định mới trong quy hoạch phân khu để điều chỉnh chiều cao và quy mô công trình cho hợp lý chứ không thể dàn đều chiều cao các công trình trong một khu vực.
Góp ý "sửa chữa" kiến trúc công trình Postef, KTS Lê Hoàng nói với những gì còn lại của công trình nhà xưởng cũ, phương án kiến trúc có thể tham khảo dự án từng triển khai ở khu di tích Hỏa Lò, kết hợp công trình mới và cũ.
Có thể giữ lại dãy nhà mặt phố Hùng Vương hiện chưa bị can thiệp, xử lý khối đế và mặt đứng, để kết hợp với công trình mới. Theo ông Hoàng, phương án này vừa giữ lại được một phần của công trình cũ vừa hạn chế thiệt hại cho chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư thiện chí thì có nhiều cách giải quyết về mặt kiến trúc.
Tạm dừng thi công
Liên quan công trình cao ốc Postef tại số 61 Trần Phú, chiều 6-4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao trách nhiệm cho Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP, các sở, ngành của TP khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công, đồng thời tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án.
TTO - Tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền (cạnh quảng trường Ba Đình, Hà Nội) bị phá dỡ gần như hoàn toàn, chỉ còn phần tường nằm trên mặt tiền phố Hùng Vương còn nguyên vẹn.
Xem thêm: mth.99935408070402202-oan-eht-hnid-ab-uhk-oc-ahn-aot-ial-uig/nv.ertiout