Con người và rừng ngập mặn giao hòa vào nhau bằng những đường chuyển mềm mại - Ảnh: NAM THI HOUSE
Vài năm trước, Đạt Dương bắt đầu quan tâm đến rừng ngập mặn khi làm đồ án thiết kế cảnh quan cho bài tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM. Mô hình của anh dựng lên một công viên, nơi trẻ em và người lớn được giáo dục những kiến thức về rừng ngập mặn và tìm hiểu tác động của sự biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái.
Có thể nói không gian triển lãm Đêm trong rừng ngập mặn được trích rút từ đồ án của Đạt Dương cùng khao khát kết nối với rừng cây giữa lòng đô thị. Vừa là một kiến trúc sư vừa là nhiếp ảnh gia, Đạt Dương đã phối hợp nhịp nhàng yếu tố cảnh quan và nghệ thuật.
Không gian trưng bày gồm 6 chủ đề nối tiếp nhau trong một đồ thị hình sin, những đường chuyển uốn lượn đưa người xem đi qua đời cây, đến những biến cố môi trường, bị con người hủy hoại, hiện lên rực rỡ dưới hình hài của các vị thần phương Đông.
Bàn tay sắp đặt của tác giả được thể hiện rất rõ trong những bức ảnh. Anh tạo nên một bàn chơi ô ăn quan, đặt con tôm và cây đước vào 2 ô quan. Trò chơi này kết thúc khi con tôm thế chỗ cây đước, như cách những hồ nuôi tôm nhân tạo đã tước đi không gian sống của rừng ngập mặn.
65 tác phẩm của Đạt Dương đều được lồng ghép nhiều lớp ẩn dụ dày đặc. Dù nhiếp ảnh gia nhận rằng triển lãm thiên về giáo dục tầm quan trọng của rừng ngập mặn, không khó để thấy sự tinh tế của anh khi lắp ghép đời sống con người và cây cối.
Tác giả mở ra triển lãm bằng một câu thơ lặp đi lặp lại "Khi tôi là một cái cây ngập mặn/Tóc tôi sẽ là những tán lá", "Khi tôi là một cái cây ngập mặn/Chân tôi sẽ là những rễ cây", "Khi tôi là một cái cây ngập mặn/Điều kỳ diệu diễn ra bên trong cơ thể tôi". Và như thế, cuộc song hành cây - người bắt đầu...
Suy nghĩ đậm đặc của Đạt Dương được dồn nén trong bộ ảnh Cây ngập mặn cuối cùng và cũng là những tác phẩm cuốn hút nhất. Anh tưởng tượng ra một thế giới bùng nổ dân số, con người tranh giành một cái cây ngập mặn duy nhất sót lại và cơ khí hóa nó thành những cái cây kim loại.
Đạt Dương tạo nên một cuộc chiến giữa sống và chết, giữa cây cối và kim loại, người với người, thiên đàng và địa ngục đối nhau chan chát trong thứ ánh sáng giả tạo. Một hy vọng tươi sáng lóe lên trong cõi phản địa đàng của tác giả khi những mầm xanh ngập mặn được sống sót và tiếp tục sinh sôi ở thế giới mới.
Triển lãm làm vỡ nát những định kiến của khán giả về một chủ đề dễ theo hướng tuyên truyền.
Rời bỏ góc độ một nghệ sĩ, Đạt Dương bộc lộ sự rối bời. Anh nhắc lại một đoạn trong truyện ngắn Rừng mắm của nhà văn Bình Nguyên Lộc, ông nội nói với thằng Cộc: "Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng. Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi? Vả lại con không thích hy sinh chút ít cho con cháu của con hưởng hay sao?".
Đạt Dương không biết nếu mình là thằng Cộc, anh có dám trở thành cây mắm bám trụ lấy đất chăng hay cũng chỉ như những kẻ bỏ chạy vào thành phố để tìm kiếm một thứ gì vươn cao hơn sình bùn. Đạt Dương có thể không biết nhưng nhìn tác phẩm của anh, có thể thấy anh đã chọn.
Triển lãm Đêm trong rừng ngập mặn diễn ra tại Nam Thi House (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM). Đúng như tên gọi, nên đến xem ảnh vào buổi đêm để nghe cây cối trò chuyện và thấy được sự lung linh của thế giới nửa tỏ nửa mờ ánh sáng, tôm, cá, chim... trong bóng rừng.
Triển lãm diễn ra đến ngày 17-4. 15% số tiền thu được từ việc bán vé sẽ được Đạt Dương trao tặng cho chương trình trồng rừng ngập mặn Hạnh phúc xanh của Sống Foundation.
TTO - Sáng 7-4, tại Bảo tàng TP Cần Thơ đã khai mạc triển lãm "Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam". Đây là hoạt động do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cùng TP Cần Thơ tổ chức.
Xem thêm: mth.34565110270402202-nam-pagn-yac-iac-tom-al-iot-ihk/nv.ertiout