Việc Ban bí thư vừa chỉ đạo chấm dứt bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ “hàm” ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị kể từ ngày 1-4-2022 (chức vụ hàm ngoại giao thực hiện theo quy định riêng) đang tạo ra sự quan tâm trong dư luận.
Kết luận số 33 của Ban bí thư được ban hành sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương và ý kiến của một số cơ quan về việc này.
Trước đó, năm 2018, Bộ Nội vụ có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu không bổ nhiệm chức danh “hàm” đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Những diễn biến trên tạo bước ngoặt mạnh mẽ không chỉ trong việc tinh giản mà còn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong cả hệ thống chính trị.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến hết năm 2017, cả nước có 42 tổng cục (tăng hai lần), 826 cục, vụ thuộc các tổng cục (tăng 4,7%) so với năm 2011. Các cơ quan giúp việc của trung ương tăng 23 đầu mối và tăng 40 đầu mối cấp vụ.
Sự phình nở, cồng kềnh của bộ máy đang có xu hướng tăng lên theo thời gian.
Dù không được quy định trong luật nhưng việc bổ nhiệm chức vụ “hàm” có ít nhất khoảng 20 năm trở lại đây. Người được bổ nhiệm chức vụ này không trực tiếp điều hành, quản lý mà chỉ có thêm vị thế khi làm việc với đơn vị khác, đồng thời hưởng chế độ, chính sách tương đương với “hàm”. Theo thống kê, còn 129 người giữ chức vụ “hàm” được bổ nhiệm từ năm 2018 về trước. Nhiều người trong số này sẽ tiếp tục hưởng chế độ như đang có ngay cả khi chỉ đạo của Ban bí thư được thực hiện.
Thực tế, một số cục, vụ sau khi sáp nhập, những người từng là cục, vụ trưởng phải làm cục, vụ phó đã được bổ nhiệm hàm cục, vụ trưởng để giữ chế độ. Hoặc vụ trưởng chuyển sang làm thư ký cho lãnh đạo cấp cao - vị trí thấp hơn trước nên được bổ nhiệm hàm vụ trưởng. Hay cục phó công tác lâu năm, có thành tích tốt cũng được cất nhắc lên hàm cục trưởng…
Đây là khe hở khiến tình trạng cất nhắc, nâng chế độ cho cán bộ theo tình cảm, mối quan hệ, thậm chí chạy chức, chạy quyền xuất hiện. Căn nguyên của vấn đề này không chỉ đến từ thói quen làm việc du di, dựa nhiều vào mối quan hệ cá nhân trong hệ thống chính trị, mà sâu xa hơn, đến từ tâm lý đã thâm căn cố đế hàng ngàn năm của văn hóa quan trường. Ở đó, học là để làm quan, nhất định giành lấy một danh vị trong xã hội, hiệu quả công việc ít được quan tâm hơn danh vị.
Vì vậy, kết luận của Ban bí thư không chỉ chấm dứt việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ “hàm”, tinh giản bộ máy, mà còn góp phần tạo sự thay đổi tư duy làm việc, đóng góp, cất nhắc từ gốc rễ.
Kết luận của Ban bí thư cũng chỉ rõ: Nghiên cứu tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện chế độ chuyên gia cao cấp, chính sách đối với cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu chiến lược giữ chức vụ “hàm”. Có thể thấy hai chữ “chuyên gia” khẳng định việc đãi ngộ không theo danh vị mà theo năng lực và hiệu quả công việc.
Nghị định 90 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã được ban hành vào năm 2020 là cơ sở cho việc sắp xếp, bổ nhiệm, đãi ngộ cán bộ. Quyết tâm cao từ trung ương và cơ sở pháp lý đã có, nay cần thêm sự dứt khoát thay đổi tư duy của cả bộ máy để hoạt động tinh gọn và hiệu quả hơn.
Xem thêm: lmth.1433501-ahp-tod-coub-mah-uv-cuhc-meihn-ob-aox/us-ioht-gnod-oeht/us-ioht/nv.olp