Năm nay, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI) đề ra kế hoạch tổng doanh thu khoảng 5.700 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng trưởng 11% lên mức 340 tỷ đồng.
Đến nay, chỉ tiêu lợi nhuận của Bảo Minh là điểm sáng duy nhất trong kế hoạch kinh doanh ngành bảo hiểm năm nay. Các doanh nghiệp khác đều đồng loạt trình kịch bản lợi nhuận đi lùi. Riêng Bảo hiểm Petrolimex (Pjico - PGI) còn dự báo mức lợi nhuận tối thiểu năm nay có thể vơi đi 43% so với năm liền trước.
Bảo Minh xác định, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025 và muốn tăng trưởng bình quân về doanh thu theo kịp tốc độ tăng trưởng của GDP, tức đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt gần 6.790 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng với tốc độ bình quân gần 18% mỗi năm, đạt hơn 440 tỷ đồng vào năm 2025.
Trong giai đoạn này, Bảo Minh cũng muốn giữ vững vị trí thứ tư và từng bước lấy lại vị trí thứ ba trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Giai đoạn 2015-2017, BMI đứng thứ ba trên thị trường sau Bảo Việt và Bảo hiểm Dầu khí (PVI) nhưng dần tuột dốc và năm 2018, nhường chỗ cho Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Đến năm 2020, Bảo Minh giữ 7,75% thị phần ngành bảo hiểm phi nhân thọ, tăng trưởng gần 6,4% so với năm liền trước.
Bảo Minh cũng nhìn nhận đang chịu cạnh tranh gay gắt khi thị trường có quá nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là sự ra đời của những công ty bảo hiểm công nghệ. "Vì vậy, nếu Bảo Minh không thay đổi để phù hợp với thị trường sẽ bị tụt hậu", ban lãnh đạo BMI nêu.
Vừa chịu áp lực giành lại thị phần cũ, Bảo Minh vừa chịu thêm sức ép khi các doanh nghiệp xếp dưới đang có thị phần tiến sát rất gần. Từ năm 2018, thị phần của MIC trong mảng phi nhân thọ tăng liên tiếp. Xuất phát từ mốc dưới 5%, MIC đã vượt Pjico để lên vị trí thứ 5 với thị phần 6,8% trong năm 2020. Thứ hạng tuy lùi lại nhưng Pjico vẫn được "miếng bánh" trên 6% ở hầu hết các năm trong giai đoạn 2015-2020.
Kế hoạch lấy lại thị phần, tăng trưởng kinh doanh của Bảo Minh có thể thuận lợi khi thị trường còn nhiều dư địa. Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu AM Best dự đoán ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam sẽ tăng trưởng nhờ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra, khung pháp lý được cải thiện và nhân khẩu học thuận lợi. Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định do dân số trẻ và là nền kinh tế đang phát triển. Hơn nữa, lượng người đóng bảo hiểm vẫn chưa nhiều, thể hiện qua tỷ lệ tham gia bảo hiểm phi nhân thọ dưới 1%.
Ban lãnh đạo Bảo Minh cũng dự báo, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước tính sẽ tăng trưởng tối thiểu bằng mắc tăng của GDP trong 5 năm tới (7%), đánh dấu sự hồi phục của thị trường sau ảnh hưởng từ Covid-19. Tuy nhiên, lợi thế trên không chỉ dành riêng cho Bảo Minh mà của tất cả doanh nghiệp.
Năm nay, Bảo Minh muốn chú trọng các sản phẩm bảo hiểm về con người và xe cơ giới. Nhóm này được tập trung phát triển và phấn đấu tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của thị trường. Đại lý, môi giới và bancassurance vẫn là các kênh phân phối truyền thống được chú trọng.
Tuy nhiên, bảo hiểm con người và xe cơ giới cũng là mảnh đất màu mỡ mà các doanh nghiệp khác như PVI, PTI, Bảo hiểm BIDV (BIC)... đang khai thác và chiếm thị phần tốt. Trong khi bancassurance dần trở thành quân bài mạnh của các doanh nghiệp ngoại, các đối thủ khác như PVI, PTI, Bảo Việt, GIC, Liberty... lại đang tích cực bán bảo hiểm qua ví điện tử hay kết hợp với công ty bảo hiểm công nghệ.
Tuy nhiên, theo Chứng khoán BIDV (BSC), cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn trong thời gian tới, nhưng thị phần của Bảo Minh sẽ vẫn được duy trì ổn định quanh mức 7% nhờ mạng lưới chi nhánh phủ rộng khắp toàn quốc với 62 công ty trực thuộc và hơn 3.700 đại lý bán bảo hiểm chuyên nghiệp. Thương hiệu uy tín đã được xây dựng trong nhiều năm cũng là một điểm cộng.
Nhưng đơn vị này cho rằng, hoạt động đầu tư tài chính của Bảo Minh không mang lại kết quả quá tích cực. Với chính sách thận trọng, phần lớn danh mục đầu tư của họ là các tài sản nắm giữ đến ngày đáo hạn như tiền gửi, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Nhìn chung, đến giữa năm ngoái, hoạt động đầu tư cổ phiếu của BMI không đem lại hiệu quả.
Năm ngoái, Bảo Minh ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng hơn 30%, nhờ sự đóng góp của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính. Trong đó, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng trưởng mạnh do diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán. Tuy vậy, trong bối cảnh lợi suất đầu tư dự kiến đi ngang, BSC dự phóng lợi suất đầu tư gộp và lợi suất đầu tư ròng của Bảo Minh sẽ giữ nguyên ở mức tăng trưởng dưới 10% trong năm 2022.
Để thực hiện kế hoạch từ nay tới năm 2025, Bảo Minh còn nhấn mạnh vào việc tái cấu trúc và tăng cường nguồn lực nội bộ. Thương vụ thoái vốn Nhà nước là một trong những điểm nhấn. Sau thông tin Bộ Tài chính đề nghị SCIC tập trung thoái vốn hồi tháng 10 năm ngoái, BSC kỳ vọng thương vụ này sẽ thực hiện trong năm nay.
Gần đây, BMI đã thông qua kế hoạch nới room ngoại lên 100% nhằm mở đường cho việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đã trình Bộ Tài chính phương án trên. BSC cho rằng, nếu nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp này sẽ có tiềm năng được đánh giá lại trong ngắn hạn. Với việc có khối tư nhân ngoại nắm quyền chi phối, Bảo Minh được kỳ vọng có sự cải thiện về khâu quản lý điều hành và hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Tất Đạt