Từ nhỏ, Flo Milli đã mơ ước trở thành ngôi sao ca nhạc. Tuy nhiên, rapper 21 tuổi đến từ Alabama này không thể ngờ rằng một ứng dụng đến từ Trung Quốc lại là công cụ giúp cô thành công.
Trước khi nổi tiếng, Flo Milli (tên thật là Tamia Monique Carter) đã viết nhạc và đăng các bản thu âm mới lên mạng nhưng chưa thu hút được nhiều sự chú ý. Một ngày nọ, bài hát mang tên Beef FloMix của cô bỗng viral trên TikTok. Thời điểm đó, cô gái trẻ thậm chí còn chưa có tài khoản TikTok.
Nhờ việc các bài nhạc lọt vào "mắt xanh" của TikTok, trong vòng vài tuần, Flo đã thu hút được sự chú ý trong ngành công nghiệp âm nhạc. Kể từ đó, cô đã ký hợp đồng với RCA Records và được đề cử cho Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại Lễ trao giải BET Hip Hop 2020.
"Ban đầu, tôi không tìm cách để trở nên nổi tiếng thông qua TikTok. Mọi thứ đến với tôi một cách bất ngờ và tôi đang tận dụng nó để giới thiệu âm nhạc của mình đến nhiều người hơn", Flo chia sẻ với Bloomberg.
Flo chỉ là một trong số rất nhiều người bỗng chốc trở nên nổi tiếng nhờ TikTok. Tình đến tháng 1 năm nay, nền tảng này hiện có khoảng 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Với số lượng khổng lồ như vậy, việc sản phẩm âm nhạc của một nghệ sĩ vô danh nào đó trở nên viral sẽ đem lại cho họ rất nhiều lợi ích.
Khi Megan Thee Stallion tháo chiếc mặt nạ màu cam rực rỡ và bước lên sân khấu để nhận giải Grammy, cô đã cố kìm nước mắt, gửi lời cảm ơn gia đình và những người quản lý đã giúp cô trở thành nữ rapper đầu tiên giành giải nghệ sĩ mới xuất sắc nhất trong hai thập kỷ. Tuy nhiên, cô không nhắc đến một "thế lực" khác đã giúp biến bài hát Savage của cô thành một bản "hit": TikTok.
Thành công của Savage không phải tự dưng mà có. 300 Entertainment - hãng thu âm của Megan Thee Stallion, đã làm việc với TikTok để quảng bá album Suga của cô ngay trước khi đại dịch bùng phát. Ban đầu, hãng chọn bài hát Captain Hook làm trọng tâm nhưng TikTok khuyến khích chọn 5 bài để đăng lên nền tảng và theo dõi các chỉ số khác nhau.
Kết quả là người dùng bị thu hút mạnh mẽ nhất bởi ca khúc Savage. Tỷ lệ người dùng lưu các đoạn trích của bài hát này để sử dụng "đẫ tăng theo cấp số nhân", Isabel Quinteros Annous, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối tác âm nhạc của TikTok cho biết. Tiếp đó, một loạt chiến dịch như #SavageChallenge được tung ra để duy trì độ nóng của ca khúc.
Nữ nghệ sĩ Megan Thee Stallion (Ảnh: Internet).
Có thể nói, TikTok được mệnh danh là "cỗ máy tạo hit" trong những năm gần đây. Thậm chí, nhờ nền tảng này, nhiều bài hát ra đời từ lâu nhưng ít người biết đã gây chú ý trở lại và trở nên nổi tiếng. Sự trỗi dậy của TikTok trong vài năm trở lại đây đã khiến không ít "ông lớn" mạng xã hội như Facebook và Instagram lo ngại.
Ngay từ khi ra đời, TikTok đã là một ứng dụng có tính "kiểm soát" cao hơn các ứng dụng khác. Điều này thể hiện ở chỗ một nhóm sẽ phụ trách việc xác định video nào sẽ trở nên viral, video nào xuất hiện trên các trang đề xuất được cá nhân hóa và xu hướng nào sẽ "nổi đình nổi đám" trên khắp thế giới.
Năm 2018, Zhang Yiming – CEO của ByteDance (công ty mẹ của TikTok), đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cùng ngân sách marketing lên tới 1 tỷ USD để đạt được mục tiêu hàng trăm triệu người dùng.
Để thúc đẩy lượt tải xuống, TikTok tìm mọi cách để đảm bảo rằng người sáng tạo, nhạc sĩ và nhà quảng cáo cũng đang kiếm được tiền trên nền tảng. Các nhà quản lý ở Los Angeles và Bắc Kinh cũng thường xuyên tư vấn cho những người sáng tạo nội dung nổi tiếng về hashtag (#) và các tính năng quan trọng đối với nhà quảng cáo. Ngoài ra, TikTok còn kết nối người sáng tạo với các thương hiệu và nhạc sĩ, điều thường dẫn đến quan hệ đối tác trả phí.
Gabby Murray, một người sáng tạo TikTok 19 tuổi đến từ Florida với 8,5 triệu người theo dõi, cho biết hàng tuần những người như cô đều nhận được email kèm hướng dẫn để xác định video nào nên làm để tăng mức độ hiển thị.
TikTok đang là đối thủ đáng gờm của nhiều mạng xã hội lớn khác (Ảnh: Internet).
Cách tiếp cận này khác rất nhiều so với các hoạt động ban đầu của Twitter và Facebook, nơi hầu hết mọi thứ sẽ bắt đầu trở nên viral sau khi nhiều người đăng về cùng một thứ. Karyn Spencer, người điều hành chương trình phát triển người sáng tạo nội dung cho nền tảng video Vine của Twitter cho biết các công ty công nghệ Mỹ tự coi mình là nền tảng chứ không phải nhà cung cấp nội dung và không khuyến khích người dùng đăng về một số thứ nhất định. Tuy nhiên, điều đó đã phần nào thay đổi khi họ phát triển, đặc biệt là YouTube và Instagram - những công ty ngày càng trả nhiều tiền cho người sáng tạo nội dung.
Có thể nói, nhờ cách tiếp cận mới, TikTok đã phần nào thay đổi cách để trở nên nổi tiếng bằng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của mình, trở thành đối thủ xứng tầm với hàng loạt mạng xã hội đình đám khác.
Nguồn: Bloomberg, CNN
http://tintuc.vdong.vn/04/1313906.htmGia Vũ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế