Du khách tắm biển Côn Đảo lúc chưa xảy ra đại dịch COVID-19 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Theo công văn đề ngày 14-4, UBND huyện Côn Đảo cho biết hiện nay cấp độ dịch của Côn Đảo là "cấp độ 1" nên đề nghị chi hội du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ áp dụng phương án kinh doanh, đón tiếp khách theo cấp độ trên.
Như vậy, từ ngày 14-4, du khách đến Côn Đảo không phải trình giấy xét nghiệm COVID-19 còn hiệu lực hoặc xét nghiệm COVID-19 tại đây.
Trước đó, chiều 14-4, Tuổi Trẻ Online có bài viết phản ánh việc du khách khi đến Côn Đảo thì được các khách sạn yêu cầu phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực hoặc ra khách sạn sẽ có nhân viên y tế đến lấy mẫu và phải tự trả phí.
Trường hợp ra Côn Đảo mới phát hiện dương tính, du khách phải ở lại đảo 7 ngày và phải tự chịu các chi phí phát sinh. Các chủ cơ sở kinh doanh du lịch và cả lãnh đạo, nhân viên của Trung tâm Y tế quân dân y Côn Đảo đều khẳng định đó là quy định của chính quyền huyện Côn Đảo.
Nhưng ông Lê Văn Phong - bí thư, chủ tịch UBND huyện Côn Đảo - lại nói huyện không có chỉ đạo bắt buộc như trên mà đó là do các cơ sở tự thỏa thuận, yêu cầu với khách để đảm bảo an toàn cho mình. Ông Phong cũng cho hay huyện không can thiệp được việc các cơ sở dịch vụ du lịch yêu cầu du khách như trên, vì đó là quyền của họ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không hề muốn buộc du khách của mình phải trình giấy hoặc phải test khi đến lưu trú. Việc họ yêu cầu khách phải xét nghiệm COVID-19 trước khi ra đảo là do huyện yêu cầu, bắt buộc.
Cụ thể như sau: Giữa tháng 2-2022, sau khi làm việc với Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Văn Phong với nhiệm vụ là bí thư - trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Côn Đảo đã ký thông báo rằng "trước mắt huyện tiếp tục các biện pháp hành chính, y tế theo cấp độ dịch ở cấp độ 3".
Cũng vào thời gian trên, Văn phòng UBND huyện Côn Đảo đã ký thông báo truyền đạt kết luận của ông Phong.
Theo đó, chính quyền huyện Côn Đảo đề nghị Ban quản lý cảng Bến Đầm (nơi tàu đưa khách đến và rời Côn Đảo) yêu cầu các hãng tàu phải "quản lý giấy xét nghiệm của hành khách trước khi lên tàu".
Đáng chú ý, thông báo này cũng ghi rõ những trường hợp không có giấy xét nghiệm tạm thời ở lại tàu, chưa lên bờ và các hãng tàu phải tự giải quyết, tự chịu trách nhiệm về không tuân thủ phương án phòng chống dịch đã cam kết.
Như vậy, rõ ràng hành khách đến Côn Đảo bằng đường thủy phải trình giấy xét nghiệm COVID-19 cho hãng tàu.
Đến ngày 14-4, UBND huyện Côn Đảo mới có thông báo mới về cấp độ dịch là cấp độ 1. Từ đây, du khách đến Côn Đảo, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại đảo và các hãng tàu mới được "cởi trói" giấy xét nghiệm COVID-19.
Chị Trương Thị C. (ngụ Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết, ngày 10-4 vừa qua, nhóm của chị gồm hơn 10 người ra Côn Đảo nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Trước khi ra đảo, chị được nhân viên khách sạn thông báo phải xét nghiệm COVID-19 hoặc ra đảo phải xét nghiệm. Chị C. và nhóm bạn phải làm theo yêu cầu này. Khi ra Côn Đảo, có 3 người không kịp xét nghiệm ở nhà nên đã phải lấy mẫu test tại khách sạn.
TTO - Nhiều bạn đọc phản ánh với Tuổi Trẻ Online khi họ đặt phòng nghỉ ở Côn Đảo, khách sạn yêu cầu phải có giấy xác nhận âm tính với COVID-19 còn hiệu lực, hoặc ra khách sạn sẽ có người đến lấy mẫu. Họ nói rằng đó là chỉ đạo của huyện.
Xem thêm: mth.60994511161402202-oad-noc-ned-ihk-91-divoc-meihgn-tex-yaig-iort-ioc/nv.ertiout