Những căn nhà của người dân làng Xô Luông nằm bên sườn đồi lòng hồ thủy điện Đăk Đring - Ảnh: TRẦN VẤN
Ngày 18-4, anh A Đoàn, ở thôn Xô Luông (xã Đăk Nên), cho biết trước khi xây dựng thủy điện, chính quyền địa phương cùng Công ty CP Thủy điện Đăk Đrinh đã cam kết sẽ đền bù cho người dân bị thu hồi đất.
Theo anh A Đoàn, người dân chỉ mới nhận được tiền đền bù về cây cối, hoa màu. Riêng đền bù đất vẫn chưa chi trả.
"Họ nói chuyển đến nơi ở mới còn được cấp nhà ở, 1ha đất rẫy và 4 sào đất sản xuất ở đó (gồm 2 sào gần khu tái định cư và 2 sào tự khai hoang).
Ngoài ra, những hộ nào không nhận phân bón, đất sản xuất ở khu tái định cư thì nhận tiền. Người dân chúng tôi muốn nhận tiền chứ không nhận đất, nhưng từ đó đến nay cũng không thấy chi trả. Họp tiếp xúc cử tri chúng tôi phản ảnh miết mà cũng có cái gì đâu" - anh Đoàn nói.
Hàng chục hộ dân thôn Tu Rét (xã Đăk Nên) cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự khi nhường hơn 80ha đất để xây dựng khu tái định cư và cấp đất sản xuất cho những hộ dân thôn Vương, Xô Luông chuyển từ khu vực làm hồ thủy điện lên sinh sống.
Anh A Hrum - trưởng thôn Tu Rét - cho biết có 36 hộ dân trong thôn nhường hơn 80ha đất sản xuất và được thủy điện Đăk Đring hứa sẽ trả đền bù trong 5 năm (tính từ 2013), với giá 4.000 đồng/1m2 đất và 20 triệu đồng/1ha đối với cây cối hoa màu.
Tuy nhiên, người dân mới chỉ nhận được đền bù cây cối hoa màu trên đất, còn đền bù về đất đến nay vẫn chưa được chi trả.
"Hiện nay người dân trong thôn không còn đất sản xuất, nhiều thanh niên trong làng đều phải đi các tỉnh khác làm thuê, cuộc sống đã khó khăn sau khi nhường đất lại càng khổ hơn" - anh A Hrum nói.
Thu nhập của gia đình chị Y Xa phụ thuộc vào vài sào đất trồng chuối và mì… còn lại sau khi nhường đất cho thủy điện Đăk Đring - Ảnh: TRẦN VẤN
Vì sao làm thủy điện 8 năm rồi, vẫn nợ tiền đền bù của dân? Ông Đào Duy Khánh, bí thư Huyện ủy huyện Kon Plông, cho biết về đền bù theo quy định nhà nước đã chi trả xong.
Số tiền đang nợ là mức hỗ trợ phát sinh thêm về kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định canh, tái định cư khoảng hơn 33 tỉ đồng. Đây là số tiền hỗ trợ thêm sau khi người dân phản ứng vì so sánh mức bồi thường thủy điện Đăk Đring là thấp hơn giá bồi thường của thủy điện Thượng Kon Tum (xây cùng thời điểm).
"Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo huyện phối hợp với các sở ngành liên quan kiến nghị đến các cơ quan trung ương tham mưu Chính phủ để xin ý kiến. Tuy nhiên, vấn đề chưa được xử lý" - ông Khánh nói.
Tại sao thời điểm đó xây 2 thủy điện cùng một lúc, chính quyền biết có 2 giá đền bù khác nhau nhưng không điều chỉnh kế hoạch ngay từ đầu, để xảy ra tình trạng người dân phản ứng dẫn đến phát sinh chi phí và hệ lụy kéo dài đến nay?
Trả lời câu hỏi này, ông Khánh nói: "Tôi mới về làm bí thư huyện ủy sau này nên không nắm hết, qua tuần sẽ cũng cấp thông tin đầy đủ hơn".
Cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình nhường đất cho thủy điện đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chật vật - Ảnh: TRẦN VẤN
Dự án thủy điện Đăk Đring được khởi công từ tháng 9-2009. Nhà máy có công suất 125MW, nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, do Công ty CP Thủy điện Đăk Đrinh - Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) làm chủ đầu tư.
Để thực hiện dự án, có 192 hộ với 843 khẩu ở xã Đăk Nên (huyện Kon Plông) phải nhường đất xây dựng công trình thủy điện trên để nhận kinh phí bồi thường và chuyển đến nơi ở mới.
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thành công hệ thống cảnh báo lũ từ xa thay cho việc cảnh báo bằng còi giúp cho người dân vùng hạ du thủy điện tránh được các tai nạn đáng tiếc, hạn chế được thiệt hại khi có bão lũ xảy ra.
Xem thêm: mth.28225838021402202-art-auhc-nav-man-8-noh-ub-ned-neit-nad-on-neid-yuht-mal/nv.ertiout