Tại buổi hội thảo, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) đã trình bày tham luận "Chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT - đòn bẩy phát triển bất động sản vùng TP.HCM".
Theo bà Lã Hồng Hạnh, trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM đã được Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư, một số công trình quan trọng mang tính động lực, lan tỏa đã hoàn thành tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như của cả khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã tập trung bố trí vốn để hoàn thiện các dự án về GTVT trên địa bàn Thành phố và kết nối với các tỉnh lân cận.
Trong đó, liên quan đến các dự án về hàng hải, bà Hạnh cho biết, Quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt QH tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại QĐ số 1579/QĐ-TTgngày 22/9/2021.
Theo đó, cảng biển TP.HCM là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm các khu bến chính: Khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến trên sông Nhà Bè, khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp.
Lượng hàng thông qua năm 2025 khoảng từ 133,03 đến 141,48 triệu tấn/năm, trong đó riêng lượng hàng công ten nơ khoảng từ 7,72 đến 8,18 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng từ 145,47 đến 159,98 triệu tấn/năm, trong đó riêng lượng hàng công ten nơ khoảng từ 8,44 đến 9,07 triệu TEU/năm. Lượng hành khách thông qua năm 2025 khoảng từ 27,67 đến 108,76 nghìn lượt khách/năm; năm 2030 khoảng từ 28,9 đến 243 nghìn lượt khách/năm.
Bà Hạnh tiết lộ, Tập đoàn vận tải biển MSC (tập đoàn lớn nhất thế giới về vận tải biển) đang đề xuất liên danh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP đầu tư Khu cảng tại cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, khu vực sông Cái Mép để trở thành cảng trung chuyển quốc tế với quy mô: 13 bến chính tiếp nhận tàu mẹ với trọng tải lên tới 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs) và tàu gom hàng (feeder) trọng tải 10.000 – 65.000 DWT, chiều dài khoảng 6,8 km. Công suất thiết kế: 15 triệu TEU (trong đó khoảng 80% là hàng trung chuyển quốc tế; khoảng 20% là hàng XNK của Việt Nam).
Bà Hạnh nói: "Họ (nhà đầu tư MSC -PV) đề xuất đầu tư chuyển khu vực cảng biển từ Singapore - là cảng trung chuyển quốc tế sang Việt Nam, mong muốn lựa chọn vị trí Cần Giờ, thuộc địa bàn TP. HCM, với mức đầu tư rất lớn".
Đại diện Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) đánh giá đây là cơ hội rất lớn đối với TP. HCM khi lượng hàng trước đây trung chuyển tại Singapore sẽ chuyển sang trung chuyển tại Việt Nam. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này là khoảng 135.355 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,9 tỷ USD). Năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 660 triệu USD.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh việc cần đảm bảo nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để nạo vét, duy tu các tuyến đường thủy nội địa quốc gia kết nối giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, luồng hàng hải, cơ bản giữ cấp kỹ thuật theo quy hoạch đảm bảo khai thác hiệu quả hoạt động vận tải; đồng thời nghiên cứu triển khai đầu tư nạo vét, cải tạo đảm bảo chuẩn tắc luồng tuyến sông Đồng Tranh, hình thành tuyến kết nối từ cửa sông Vàm Cỏ qua Cần Giờ sang sông Thị Vải tới cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải, dự kiến hoàn thành trước 2025.
https://cafef.vn/de-xuat-dau-tu-sieu-cang-can-gio-cai-mep-gan-6-ty-usd-20220418165212476.chnTheo Thái Quỳnh
Nhịp Sống Kinh tế