Ngã rẽ chứng khoán và lần gửi tiết kiệm duy nhất trong đời
Tôi sinh ra ở ngoại thành Hà Nội và học ở trường quê cho tới khi vào học đại học. Giai đoạn đó ngành công nghệ thông tin vẫn đang bùng nổ với bong bóng dot.com và chúng tôi cũng như bao thế hệ những người sinh đầu những năm 80s đổ xô vào học các ngành liên quan tới công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, và trong khối kinh tế là kế toán – kiểm toán. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật và làm kỹ thuật trong khoảng hơn 2 năm đầu sau khi tốt nghiệp.
Thế rồi đợt sóng chứng khoán bùng nổ mạnh mẽ năm 2007 đã cuốn tôi từ một người làm kỹ thuật nhảy sang làm lĩnh vực chứng khoán. Giai đoạn đó tôi cũng không có vốn và chỉ có khoảng 30 triệu vay từ người hàng xóm ở quê và bắt đầu tham gia đầu cơ trong sóng hồi thị trường vào năm 2008. Thật may mắn tôi đã không cháy túi giai đoạn đó và trả lại được tiền cho người hàng xóm tốt bụng.
Tôi bắt đầu làm việc cho một số công ty tài chính và chứng khoán từ năm 2009 và đi theo hướng phân tích cơ bản ở công ty chứng khoán.
Giai đoạn thị trường 2009 là giai đoạn thật tuyệt vời khi mà tiền bạc thật sự vô cùng dễ kiếm. Tôi không có đồng nào trong người nhưng vẫn buôn bán cổ phiếu để ăn chênh lệch giá từ cổ phiếu OTC và chuẩn bị niêm yết với mức lợi nhuận lớn mà không cần bỏ vốn ra. Tôi đã kiếm được tiền mua một chiếc oto vào giai đoạn đầu năm 2010 nhưng vì tham lam tiếp tục đầu tư nên đã mắc kẹt trong một thương vụ mua chung cổ phiếu với một số người khác và bị cháy tài khoản sau đó. Tôi mất thêm 2 năm sau đó để trả nợ và hầu như không tích góp được gì trong suốt giai đoạn 2011-2012.
Giai đoạn đầu năm 2013, tôi tiết kiệm và gửi ngân hàng được 30 triệu từ lương và thưởng cuối năm. Tôi vẫn nhớ mãi cái sổ tiết kiệm gửi 6 tháng đó và tới khoảng tháng 8/2013 tôi bắt đầu rút toàn bộ ra cho vào tài khoản chứng khoán. Đó là lần gửi tiết kiệm đầu tiên trong đời của tôi và cũng là duy nhất tới hiện tại. Sau đó tôi có thử gửi online ở trên app một số ngân hàng thử nghiệm dịch vụ chứ chưa có ý định gửi tiết kiệm trở lại.
Dồn toàn bộ tiền nhàn rỗi vào tài khoản chứng khoán
Tôi tập trung 100% tài sản để đầu tư vào cổ phiếu từ 2013 cho tới hiện tại. Bắt đầu từ năm này tôi tiết kiệm tiền hàng tháng để mỗi lần có 1 khoản tiền dư ra kể cả 1-2 triệu tôi đều nộp vào tài khoản chứng khoán để đầu tư. Phương pháp đầu tư của tôi cũng tập trung vào việc nghiên cứu cổ phiếu theo phương pháp cơ bản có thể hợp yếu tố xu hướng thị trường chung.
Tết năm 2014, từ số tiền 30 triệu ban đầu, tới tết nguyên đán năm 2014 tôi đã có trong tay khoảng 240 triệu. Nhưng tôi đã mắc sai lầm khi cho anh trai vay 140 triệu để mua tiêu sản (mua oto) và số vốn của tôi tụt còn 100 triệu để tiếp tục đầu tư cho năm 2014.
Năm 2014, tôi vẫn nhớ chiến lược đầu tư vào các doanh nghiệp của tôi như PVS, HPG và một số doanh nghiệp khác. Tôi không nhớ chính xác kiếm được bao nhiêu vào kết thúc năm 2014, nhưng tôi không bị thua lỗ trong đợt biển Đông (1/5/2014) mà chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi đợt giá dầu tạo đỉnh vào sụp đổ từ tháng 10/2014. Giai đoạn đó cổ phiếu penny cũng đang thống trị thị trường và nó sụp đổ lâu dài nhiều năm sau đó. Năm 2014 cũng là năm tôi chuyển công việc sang vị trí khác trong ngành tài chính sau gần 5 năm ở công ty cũ.
Năm 2015, thị trường cũng dao động trong biên độ và không có nhiều chuyển động lớn nhưng có rất nhiều đợt tăng giảm đan xen lẫn nhau và việc đầu tư khá trầm lắng không thật sự thuận lợi. Tôi vẫn tiếp tục duy trì liên tục việc nộp số tiền mình có thể tiết kiệm được hàng tháng, tiền thưởng cuối năm vào tài khoản đầu tư của mình.
Giai đoạn này tôi cũng bắt đầu rút một phần tiền đầu tư để mua xe, sửa nhà. Nhưng về cơ bản hầu hết tài sản của tôi vẫn nằm ở cổ phiếu. Tôi cũng sử dụng khoản vay mua xe từ ngân hàng ở giai đoạn này và trả lãi hàng tháng khoảng 7 triệu/tháng cả gốc lẫn lãi, trong vòng 5 năm và tôi cũng phải bỏ ra số tiền đối ứng ban đầu khoảng 120 triệu. Tôi chưa mua nhà mà chỉ bỏ ra khoảng 150 triệu để sửa nhà để ở tạm.
Mức sinh lời gấp 4 lần một năm và cột mốc 1 triệu USD
Giai đoạn 2016 – 2017, thị trường chứng khoán thăng hoa mạnh mẽ và đã tạo ra sự đột phá cực lớn với việc đầu tư của tôi. Các năm trước, tôi vẫn duy trì được mức sinh lời cao từ 200% - 1000%/năm nhưng đó là khi tôi có quy mô tài sản rất nhỏ. Tới 2016 tài sản đã trở nên khá lớn và năm này tôi đã có 1 thương vụ để đời khi kiếm được 1 khoản đầu tư lãi gấp 4 lần trong vòng 1 năm và lúc đó tôi đã đầu tư 100% tài sản của mình vào khoản đầu tư đó, phần margin dùng thêm tôi đầu tư các cổ phiếu khác và đã thực sự đem lại đột phá cực kỳ lớn.
Tới năm 2017, kết thúc năm thị trường tăng tới gần 50% và về cơ bản tôi đã đạt được mục tiêu 1 triệu USD vào năm này chỉ sau khoảng 4 năm đầu tư trên thị trường chứng khoán. Năm đó các nhà đầu tư khác cũng như tôi cực kỳ hân hoan và thỏa mãn vì thành công trên thị trường và kiếm tiền quá dễ và đã cực kỳ chủ quan chuẩn bị cho năm 2018 sắp tới.
Năm 2018, chỉ trong vào 3 tháng đầu năm tôi đã tiếp tục kiếm được khoảng lợi nhuận 40% so với cuối năm 2017. Nhưng chỉ sau 2 tuần thị trường đảo chiều tôi đã mất toàn bộ 40% lợi nhuận đó. Tôi đã bán toàn bộ cổ phiếu của mình ra vào trở về mức tài sản cuối năm 2017. Tôi đã gửi tiền trên hệ thống công ty chứng khoán trong thời gian 6 tháng và tới tận tháng 10/2017 tôi mới quay lại thị trường và kết thúc năm với mức lợi nhuận tạm chấp nhận được là 18% trong khi rất nhiều nhà đầu tư và bạn bè của tôi cháy tài khoản trong năm 2018 này hoặc thua lỗ nặng nề và từ bỏ thị trường.
Năm 2019, thị trường giao dịch biến động trong biên độ và thanh khoản sụt giảm mạnh, thị trường rất khó kiếm tiền và hầu hết các nhà đầu tư nhẩy sóng vào thị trường đã từ bỏ rời khỏi thị trường trong năm 2019 này sau 1 năm 2018 thua lỗ và kéo dài sang năm 2019 vẫn không thấy khả quan.
Cú sập choáng váng vì Covid
Sự khác nhau của tôi với các nhà đầu tư khác ở chỗ dù thị trường tăng hay giảm tôi vẫn bám sát thị trường, có thể tôi không đầu tư, hoặc đầu tư ít tiền khi rất khó khăn nhưng tôi luôn theo dõi nó mà không từ bỏ.
Trong khi các nhà đầu tư theo phong trào sẽ chỉ nhảy vào khi có sóng và rút ra sau khi thua lỗ nặng nề để quay về gửi tiết kiệm nhiều năm cho hòa vốn, hoặc chạy sang mua đất để chờ đợi lấy lại số vốn đã mất ở thị trường chứng khoán. Nhưng người này sẽ thấy thị trường chứng khoán là nơi cờ bạc và lừa đảo tham gia chỉ mất tiền. Còn với tôi thì việc đầu tư lãi/lỗ là việc hết sức bình thường và cần chấp nhận nó. Ta kiên trì chờ đợi cơ hội sẽ tới.
Năm 2019 tôi có 1 cơ hội đầu tư tạo ra tiếng vang lớn trên thị trường và dù tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu đó không thật sự cao, chỉ khoảng 30% tài sản nhưng tôi cũng có mức lợi nhuận 41% trong năm 2019 đầy khó khăn.
Năm 2020, giai đoạn đầu năm đã thuận lợi hơn khá nhiều do có 2 quỹ ETF tiến hành IPO trên thị trường chứng khoán là ETF SSIAM VNFIN LEAD và DIAMOND. Tôi đã có sự đầu cơ với các cổ phiếu tài chính khi quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD IPO và đã kiếm được tiền, rồi rút ra toàn bộ khỏi thị trường. Nhưng lại phạm một sai lầm khủng khiếp khi quay lại đầu cơ đợt IPO của DIAMOND với tin đồn có 50 triệu USD nộp vào khi IPO và dính phải cú lỗ khủng khiếp vào tháng 3/2020 khi Covid nổ ra.
Tôi đã không thể thoát khỏi 2 cổ phiếu chính trong danh mục là MWG và PNJ khi nó liên tục giảm sàn rất nhiều phiên liên tiếp. Tôi mất khoảng 30% tài sản trong cú sập tháng 3/2020 đó và thật sự bị tổn thương vài sai lầm của mình.
Sau cú sập đó, tôi đã rất bi quan về thị trường và mất nhiều tháng sau đó mới quay lại được thị trường. Mãi tới khoảng tháng 7/2020 tôi mới thật sự quay lại thị trường ở quy mô đầu tư lớn và đặc biệt lớn từ khoảng tháng 10/2020 và rất thành công từ đó tới tháng 1/2021..
Tháng 1/2021, tôi dính nguyên cú điều chỉnh lớn trên thị trường khi mà chỉ trong vòng 3 tuần đầu tháng 1/2021, tôi kiếm được khoảng 29% nhưng rồi cú sập đã gần như thổi bay hết lợi nhuận trước đó. Tôi tiếp tục kiên trì đầu tư tới trước cú sập tháng 7/2021 tôi đã lại kiếm được hơn 40% so với đầu năm 2021. Nhưng nhìn chung giai đoạn 2020 – 2021, thị trường chứng khoán đang vận động khách với cách tôi vẫn hay đầu tư theo cách của mình nên hiệu quả đầu tư của tôi không thật sự vượt trội so với thị trường chung.
Nếu kiên trì cơ hội sẽ tới
Trong khoảng 12 năm đầu tư trên thị trường chứng khoán của mình, tôi chật vật mất 4 năm đầu tiên lúc được lúc mất và về cơ bản là thất bại trên thị trường. Mãi từ năm 2013 trở đi tôi mới bắt đầu kiếm được tiền. Nó giống như cách mà giáo sư Malcolm Gladwell trong cuốn sách "Những kẻ xuất chúng" có nói, ta cần ít nhất 10.000 giờ rèn luyện để trở thành chuyên gia trong 1 lĩnh vực nào đó. 4 năm đầu tiên đó nó giống như giai đoạn tôi học hỏi từ thị trường. Tôi may mắn đã trả qua được 1 đợt thị trường tăng đỉnh 2007, 2 đợt thị trường hồi phục 2008 và 2009 cũng như trải qua 2 cú khủng hoảng 2009 và 2011. Tôi tham gia đúng giai đoạn khó khăn nhất, cũng như dễ dàng kiếm tiền nhất thị trường và đã học được rất nhiều từ đó để rồi tôi có thể kiếm tiền bền vững từ thị trường chứng khoán từ năm 2013 tới nay.
Với GenZ, họ coi chứng khoán rất nhiều người coi là một kênh làm giầu nhanh chóng, sẵn sàng dùng đòn bẩy tối đa, sẵn sàng mất hết số tiền họ bỏ ra với mục đích làm giầu nhanh nhất có thể và kỳ vọng kiếm được vài chục tỷ từ thị trường nhanh chóng trong một vài năm.
Nhưng về cơ bản giai đoạn thị trường dễ đã qua, giai đoạn hiện tại của thị trường không có nhiều thứ rẻ như giai đoạn trước đây để có thể kiếm tiền nhanh chóng như vậy. Nhưng nếu kiên trì tham gia thị trường, tránh các cú thua lỗ lớn dẫn tới phải từ bỏ đầu tư thì cơ hội để kiếm được khoản tiền khổng lồ từ thị trường sẽ lại xuất hiện trong tương lai.
Nhiều người coi bất động sản là kênh đầu tư số 1 và không có bất kỳ kênh đầu tư nào có thể bằng được. Cách so sánh này cũng giống như ai đó cầm 1 cổ phiếu tốt như HPG từ 2010 tới 2020 họ có mức lãi hơn 40 lần, họ sẽ nói cầm cổ phiếu lãi 40 lần trong 10 năm, bạn cầm bất động sản nào để có mức lãi 40 lần như thế. Đây là thiên kiến đầu tư mà thôi khi mà họ so sánh họ cầm được các bất động sản tốt nhất so sánh với mức hiệu suất sinh lời trên thị trường chứng khoán.
Trong khi thị trường bất động sản ở trung tâm thành phố lớn giá ít biến động rất nhiều năm qua, hoặc thị trường bất động sản ở các vùng qua nằm im 10 năm qua thì không ai tính vào chỉ số giá chung thị trường bất động sản. Các góc nhìn của người đầu tư cổ phiếu hay các sản phẩm tài chính khác về cơ bản bị thiên lệch rất nhiều.
Phương pháp để kiếm được 1 triệu USD từ thị trường chứng khoán của tôi chỉ là đầu tư vào các cổ phiếu có cơ bản tốt, các cổ phiếu tăng trưởng rất mạnh đầu ngành. Tôi luôn dùng toàn bộ tài sản mình có để đầu tư vào cổ phiếu và không tham gia các loại hình đầu tư khác như bất động sản, vàng, gửi tiết kiệm,… Mỗi tháng khi có lương sau khi trang trải chi tiêu tôi sẽ chuyển hết vào tài khoản đầu tư chứng khoán, khi có thưởng tôi cũng sẽ chuyển vào tài khoản đầu tư.
Tôi duy trì 100% tài sản trong các khoản đầu tư cổ phiếu, kiên trì đầu tư dài hạn, hạn chế tối đa rút tiền ra chi tiêu. Tôi chỉ rút ra 1 phần nhỏ tài sản đầu tư để chi tiêu mua sắm (nhà cửa, xe cọ, 1 số khoản chi lớn khác) và giữ cho mức rút ra chi tiêu này không được quá 20% tổng tài sản mình đang có.
Ví dụ như bạn là cặp vợ chồng trẻ, họ sẽ rất hay dính phải bài toán bẫy thu nhập truyền thống khi vay mượn ngân hàng 1 khoản lớn để mua chung cư với tư duy "có an cư mới lập nghiệp" và sẽ mất rất nhiều thời gian trả hết khoản nợ lớn đó nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình. Còn cách của tôi sẽ chấp nhận ở nhà thuê, ở nhà bố mẹ và tiết kiệm 5-7 năm tập trung đầu tư và sau đó rút ra 20-50% số tiền từ tài khoản đầu tư đó để mua nhà mua xe và tiếp tục đầu tư phần còn lại. Cách làm này sẽ giúp tài chính gia đình lành mạnh trong dài hạn và bớt đi rất nhiều căng thẳng so với việc mua nhà ngay và chịu áp lực vì khoản nợ quá lớn.
Với tôi, tôi chỉ am hiểu thị trường cổ phiếu, tôi biết các công ty trên thị trường đâu là công ty tốt, đâu là công ty không tốt, đâu là công ty lập ra để kinh doanh mua bán cổ phiếu mà không phải kinh doanh thực thụ và tránh chúng đi. Về cơ bản thị trường hầu hết đều biết các công ty tai tiếng, nhưng ai cũng nghĩ rằng mình chỉ vào đầu cơ một chút và sẽ thoát ra được trước khi cổ phiếu đó sụp đổ. Cách họ đầu tư như thế đã là khởi đầu cho một sự thất bại trong dài hạn của chính họ.
Theo Quantainvestment
Trí Thức Trẻ