Các đại biểu thực hiện nghi thức đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 19-4, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan đã chính thức vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) và Cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy Bình Dương.
Đây là hoạt động bên lề hội thảo "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: thành tựu và triển vọng" diễn ra trong hai ngày 19 và 20-4 tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Bình Dương. Ông Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, tham dự.
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC là một hệ thống công nghệ thông tin có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị và lãnh đạo tỉnh...
Màn hình giám sát với các số liệu trực quan tại Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương (www.tinhuybinhduong.vn) được xây dựng để cung cấp các thông tin về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh, thông tin về các hoạt động của thường trực cấp ủy, các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên lề hội thảo, Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận cũng ký kết hợp tác nhằm thực hiện đề án "Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050".
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết sau hơn 25 năm thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp thì Bình Dương có nhiều thành tựu cũng như bài học kinh nghiệm rất cần được tổng kết để không những tìm ra giải pháp cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh, mà còn đóng góp giải pháp, bài học kinh nghiệm cho sự phát triển đất nước.
Bình Dương hiện là "miền đất hứa" khi thu hút người lao động từ nhiều nơi về làm việc, sinh sống, nhưng cũng có những thách thức, đòi hỏi mới trong việc phát triển hạ tầng, dịch vụ, an sinh xã hội cho người dân.
Mô hình thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, công nghiệp... của tỉnh Bình Dương sẽ được nghiên cứu trong công cuộc đổi mới của đất nước - Ảnh: BÁ SƠN
Việc đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành thông minh và tổ chức hội thảo là những hoạt động thiết thực để đóng góp vào đề án "thành phố thông minh" được tỉnh Bình Dương sớm có chủ trương nghiên cứu, thực hiện.
Đề án thành phố thông minh có mục tiêu tìm ra những giải pháp không chỉ về công nghệ mà còn là tạo ra một vùng đổi mới sáng tạo để phát huy tốt nhất sự tương tác giữa "Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp" nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và cải thiện tốt hơn nữa đời sống của người dân.
Lần thứ hai liên tiếp, Bình Dương được vinh danh là một trong các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới năm 2020. Điều gì đã giúp Bình Dương đạt được thành tích này?