Tác giả bài viết cùng học sinh trong một chuyến tham quan, tìm hiểu về lịch sử địa phương - Ảnh: người viết cung cấp
Nhưng làm gì để học sinh yêu mến lịch sử? Câu trả lời có lẽ bắt đầu từ người thầy. Từ nhiều năm nay học sinh đã giảm hứng thú với môn sử mà nguyên nhân đầu tiên là từ cách giảng dạy của thầy cô.
Sức ì lớn của thầy
Không ít thầy cô lên lớp chỉ nói lại những điều sách giáo khoa đã có. Học sinh chỉ học thuộc lòng là có điểm số cao mà quên ngay sau đó. Muốn học sinh yêu mến môn sử, trước hết thầy cô phải yêu môn học mình phụ trách. Từ đó mới có sự đổi mới trong giảng dạy chứ không chỉ là đọc chép.
Tôi biết có những đồng nghiệp mấy mươi năm trời lên lớp mà chưa bao giờ sử dụng thêm tư liệu ngoài sách giáo khoa, không tranh ảnh, không clip minh họa cho bài dạy, không một câu thơ, không hề có một câu chuyện về nhân vật lịch sử... trong giờ dạy.
Suốt cuộc đời dạy học, các thầy cô ấy cũng không tổ chức cho học sinh tham quan di tích văn hóa, lịch sử địa phương và những nơi khác, không hề yêu cầu các em sưu tầm, giới thiệu về nhân vật, di tích lịch sử trong và ngoài sách giáo khoa. Khi kiểm tra lại chăm chắm vào câu chữ số liệu nên các em rất ngán.
Sức ì từ người thầy rất lớn, đến độ nhất cử nhất động bám sát sách giáo khoa mà không dám mở rộng hay cập nhật kiến thức. Khi nảy sinh bất đồng về nội dung truyền đạt kiến thức thì vin vào lý do sách giáo khoa chưa đề cập đến. Thậm chí phê phán những đổi mới, đột phá của đồng nghiệp...
Tôi từng hỏi một cô giáo trẻ mới ra trường rằng bài cô đang dạy, cô hiểu được nội dung không? Cô hồn nhiên trả lời: "Em có hiểu gì đâu, chỉ nói như sách hướng dẫn ghi! Với lại phần đang dạy thuộc sử thế giới, khó lắm!". Thế mà các em học sinh phải ghi vào đầy trang vở với nhiều thuật ngữ khoa học mà cô giáo còn không hiểu thì việc lẫn lộn là thường. Em nào ghi đầy đủ, chính xác cũng không hiểu những gì bản thân ghi trong bài làm.
Thầy thay đổi để trò thay đổi
Đổi mới cách giảng dạy từ người thầy là cần thiết. Thầy cô có yêu mến môn sử mới mong học sinh thiết tha học sử. Phải thay đổi từ nội dung bài giảng phương pháp truyền thụ; tư liệu dạy học phải phong phú hấp dẫn; cách ra đề kiểm tra đánh giá không quá nặng câu chữ...
Bên cạnh đó, cần khích lệ học sinh tham gia bài học, hướng dẫn các em quan sát, phân tích hình ảnh, số liệu... và nêu lên suy nghĩ nhận thức của bản thân về sự kiện lịch sử được học.
Việc đổi mới phải thật sự từ bản thân và từ trách nhiệm của người thầy. Người thầy rất nên xem mỗi tiết dạy sử không chỉ là mang đến kiến thức cho học sinh mà còn là cùng học sinh khám phá đánh giá sự kiện lịch sử.
Có thể sẽ mất nhiều công sức để thực hiện điều này. Nhưng để học sinh yêu mến môn sử làm được điều cơ bản nhất như lời Bác Hồ dặn dò: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", người thầy chỉ có một cách duy nhất là tự thay đổi trước.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ vào bài dạy
Mấy năm trước đây, tôi được lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh nhà gửi thư khen vì đã biết đưa các thông tin từ các bài viết trên báo Tuổi Trẻ vào tiết dạy lịch sử và có nhiều hoạt động giúp học sinh thêm yêu mến môn sử. Thế nhưng, thư chỉ gửi đến cho riêng tôi, nhà trường cũng không biết, đồng nghiệp không hay nên việc trao đổi, lan tỏa bị hạn chế.
TTO - Có ý kiến cho rằng môn lịch sử không nên để tự chọn vì ít học sinh theo học. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng cách dạy và học sử trong trường nên thay đổi để thu hút học sinh.