Với tốc độ phát triển nhanh chóng của quá trình số hóa và chuyển đổi năng lượng, nhu cầu đối với những loại nguyên liệu thô kể trên chắc chắn sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Song, hoạt động khai thác lại chỉ tập trung ở một số khu vực trên thế giới.
Điều này có nghĩa là, trong tương lai, Trung Quốc có thể trở thành nỗi đau đầu lớn cho EU. Quốc gia châu Á này xuất khẩu các loại nguyên liệu thô cực kỳ cần thiết cho những ngành công nghiệp tương lai. Theo Siyamend Al Barazi – chuyên gia thuộc Cơ quan Tài nguyên Khoáng sản Đức (DERA), quan trọng hơn, Trung Quốc còn đóng vai trò quan trọng không chỉ trong hoạt động khai thác mà còn chế biến nguyên liệu, theo
Trung Quốc và sự độc quyền đối với nguồn cung nguyên liệu thô
Sự phụ thuộc của EU đối với hoạt động nhập khẩu kim loại là từ 75% đến 100%, tùy thuộc vào loại kim loại. Trong số 30 nguyên liệu thô mà khối này đưa vào danh sách quan trọng, 19 loại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Danh sách này bao gồm magiê, đất hiếm và bitmut – đều là những nguyên liệu mà Trung Quốc đang độc quyền khai thác. Quốc gia này cung cấp tới 98% nguồn cung cần thiết cho EU.
Sự phụ thuộc này thậm chí còn có thể tăng lên trong tương lai. EU cho biết, chỉ riêng nhu cầu đối với coban sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030. Nhu cầu với Lithium dự kiến sẽ tăng gấp 18 lần vào năm 2030 và gấp 60 lần vào năm 2050 nhờ chiến dịch e-mobility.
Trở lại năm 2010, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang có sự độc quyền với nguyên liệu thô của mình nhằm gây áp lực chính trị. Khi đó, Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm, khiến giá nguyên liệu này tăng vọt. Động thái này sau đó được WTO chỉ trích và Trung Quốc thay đổi quyết định.
Raimund Bleischwitz – chuyên gia của Leibniz Centre for Tropical Marine Research, cho biết: "Châu Âu, bao gồm cả Đức, đang đặt niềm tin nhiều hơn vào việc Trung Quốc sẵn sàng chấp hành các quy định."
Song, không có gì đảm bảo rằng nhu cầu của châu Âu sẽ được đáp ứng đầy đủ trong tương lai. Một báo cáo hồi tháng 3 của tờ nhật báo kinh doanh Đức Handelsblatt cho biết các chuyên gia trong Bộ Nông nghiệp và IT Trung Quốc đã tranh luận vào tháng 1/2021 về việc có nên ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ hay không.
Châu Âu cho biết họ sẽ không thấy bất ngờ nếu Trung Quốc cắt giảm nguồn cung nguyên liệu thô. Trong kế hoạch 5 năm mới nhất, Bắc Kinh nêu rõ hoạt động xuất khẩu sẽ bị cắt giảm nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng.
Trung Quốc kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 và cần nhiều nguyên liệu thô hơn. Trong một động thái chiến lược, Trung Quốc đã có hàng nhập khẩu quan trọng từ châu Phi và các nơi khác thông qua những khoản đầu tư quy mô lớn và hợp đồng dài hạn. Thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu đối với các ngành chủ chốt.
Đức ở thế "tiến thoái lưỡng nan"
Trong nhiều năm qua, Đức đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nguyên liệu thô. Đất hiếm không chỉ được lấy từ Trung Quốc, mà còn cả Brazil. Năm 2010, quốc gia này thành lập Cơ quan Tài nguyên và Khoáng sản Đức nhằm liên tục giám sát tình hình của các nguồn tài nguyên trên toàn thế giới.
Bleischwitz nhận định: "Việc đặt mục tiêu tập trung vào nguyên liệu thô là động thái có chu kỳ của các nhà lãnh đạo trong ngành và chính trị gia. Chủ đề này luôn được nhắc đến khi mức giá tăng cao trong 18 tháng qua. Nhưng khi giá bắt đầu đi xuống, chủ đề này sẽ không còn được nhắc đến nữa."
Nghiên cứu của DERA cho thấy, Đức tiếp tục phụ thuộc phần lớn vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm cả nguyên liệu thô và hàng chế biến.
Trung Quốc dường như sẵn sàng bắt tay vào các phương pháp sản xuất bền vững hơn và hành động quyết liệu hơn nữa để bảo vệ môi trường. Các cuộc thanh tra tiến hành trong nước đối với ngành sản xuất magiê vào cuối năm ngoái đã khiến một số nhà máy phải đóng cửa. Kết quả là, giá 1 tấn magiê đã tăng từ 2.000 USD lên 10.000 USD.
Theo Al Barazi, tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với ngành sản xuất silicon ở Trung Quốc, dẫn đến tổng sản lượng sụt giảm.
Châu Âu đẩy mạnh khai thác?
Mùa thu năm 2020, Liên minh Nguyên liệu thô Châu Âu (ERMA) được thành lập nhằm tăng cường an ninh nguồn cung và đa dạng hóa nhập khẩu cho các ngành công nghiệp ở châu Âu. Ngoài ra, EU còn đặt mục tiêu tăng cường các hoạt động khai thác và chế biến trong khu vực.
Al Barazi cho biết: "EU đã nỗ lực trong nhiều năm để thúc đẩy hoạt động khai thác trong nước". Một số vật liệu quan trọng thực sự có thể được khai thác ở châu Âu, nhưng nhiều quốc gia lại muốn né tránh những hoạt động gây ô nhiễm môi trường nặng nề ở vùng lân cận.
Tây Ban Nha vừa chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch vận hành mỏ lithium ở Estremadura. Serbia và Bồ Đào Nha cũng xảy ra những sự kiện tương tự. Đức cũng có nguồn cung lithium. Sau 1 thời gian dài tìm kiếm nhà đầu tư, hoạt động khai thác lithium dự kiến sẽ bắt đầu ở bang Sachsen của Đức vào năm 2025.
Al Barazi cho biết, việc tài trợ cho các dự án khai thác mới cho đến nay vẫn là một vấn đề lớn khi thiếu đi vốn đầu tư mạo hiểm. Nếu chỉ xét đến giá nguyên liệu thô, việc khai thác ở châu Âu không có sự cạnh tranh. Ví dụ, Trung Quốc đã cấp vốn rất nhiều cho hoạt động khai thác trong những năm 1990 và yêu cầu về môi trường không quá gắt gao, giúp mức giá thấp hơn.
Tái chế liệu có phải là giải pháp?
Có một điều chắc chắn rằng, châu Âu không thể đáp ứng đủ nhu cầu của mình với các mỏ khai thác ở trong khối. Một phần của giải pháp có thể tái sử dụng nhiều vật liệu hơn thông qua các quy trình tái chế và tập trung vào mô hình kinh tế tuần hoàn. Song, những kế hoạch như vậy vẫn có hạn chế.
Theo Peter Buchholz – chủ tịch DERA, khi nhu cầu tiếp tục tăng lên một cách ổn định thì việc tái chế chỉ có thể giúp giảm thiểu vấn đề này ở Đức. Ông lưu ý: "Ngành này chỉ có thể tái chế những thứ thực sự có sẵn. Khoảng 40 năm trước, nhu cầu với đồng lên tới 10 triệu tấn/năm, hiện là hơn 20 triệu tấn."
Để ứng phó với cú sốc về việc nguồn cung có thể bị cắt giảm, nhiều quốc gia EU, Mỹ và Nhật Bản nỗ lực tích trữ lượng tài nguyên đáng kể.
Bleischwitz cho hay: "Khi tranh luận về những rủi ro của việc Đức phụ thuộc vào Trung Quốc, bạn không thể quên rằng Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Đức." Trước đại dịch, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô từ châu Âu hơn là xuất khẩu, chẳng hạn như các sản phẩm lâm nghiệp và kim loại đã được xử lý.
Theo đó, ít nhất, cả Trung Quốc và EU đều phụ thuộc lẫn nhau.
Tham khảo DW
http://tintuc.vdong.vn/04/1320974.htm