Thời gian vừa qua, hàng trăm hộ dân ở tại đầm Đề Gi thuộc hai thôn An Quang Đông và An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm ở khu vực này.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm xảy ra do nước thải từ hoạt động chế biến mực được xả thẳng ra đầm Đề Gi mà không qua hệ thống xử lý nào. Nước thải ở khu vực này có màu đen và bốc mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Người dân đang chế biến mực gây ô nhiễm. Ảnh: BÁCH THỊNH |
Nước xả thải từ việc chế biến mực gây hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. |
Ô nhiễm trong thời gian dài
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực trên có rất nhiều hộ dân đang chế biến mực ở dọc đầm Đề Gi. Mực sau khi được đem tới đây sẽ qua các khâu như xẻ mực, rửa mực, phơi khô… Nước thải từ việc chế biến mực chảy qua những ống nhựa, xả thẳng ra khu vực kênh dẫn ra đầm Đề Gi, nước thải đen đặc và bốc mùi hôi thối, khu vực phơi mực cũng có rất nhiều ruồi nhặng. Nước thải từ hoạt động chế biến mực không qua hệ thống xử lý nào mà xả thẳng trực tiếp ra môi trường.
Hàng trăm hộ dân ở gần đầm Đề Gi đã hứng trọn mùi hôi thối, ô nhiễm này. Nhiều hộ dân không chịu nổi mùi hôi đã đóng cửa nhà, tạm lánh qua nhà người thân ở khu vực khác để ở. Tình trạng ô nhiễm này đã diễn ra trong thời gian dài. Khi đến mùa cao điểm khai thác mực, mùi hôi thối, ô nhiễm này diễn ra càng trầm trọng hơn.
Anh T (người dân sống ở khu vực này) cho biết tình trạng ô nhiễm ở khu vực này diễn ra quá lâu rồi. Gia đình anh và các hộ dân xung quanh đây đã rất khổ sở bởi mùi hôi thối từ việc xả nước thải tràn lan từ hoạt động chế biến mực. Bản thân anh và người thân ở đây đã bị một số bệnh về hô hấp, dị ứng da, khi đi nơi khác thì không bị.
Cũng theo anh T, biết rằng đây là nghề mưu sinh của nhiều người nhưng cũng phải tìm cách hoạt động giảm bớt việc gây ô nhiễm, chứ cứ tình trạng gây hôi thối cả khu vực thế này thì không ai chịu nổi. “Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm có giải pháp để chấm dứt tình trạng ô nhiễm ở khu đầm Đề Gi này” - anh T nói.
Tương tự, anh H (người sống nhiều năm ở khu vực đầm Đề Gi) cho biết tình trạng ô nhiễm gây hôi thối ở khu này nổi tiếng quá rồi, người ở nơi khác cũng biết. Tình trạng xẻ mực, chế biến mực làm ô nhiễm gây bức xúc cho nhiều hộ dân nhưng họ không dám lên tiếng vì sợ gây mâu thuẫn láng giềng. “Để biết ô nhiễm như thế nào, ai thử đến gần khu chế biến mực thì sẽ rõ, mùi hôi xộc thẳng vào mũi, đến cả thở cũng không nổi” - anh H chia sẻ.
Chính quyền sẽ vận động bà con ngừng sản xuất, hỗ trợ người dân tìm hướng ra bằng các công việc khác.
Mong chính quyền hỗ trợ tạo việc làm mới
Chị T (làm nghề xẻ mực ở khu vực này) cho biết chị và những người làm nghề này cũng biết việc làm này gây ô nhiễm. Bất đắc dĩ và cuộc sống quá khó khăn nên mới làm nghề này. Người làm nghề cũng phải hằng ngày sống chung, hít thở mùi hôi này chứ không sung sướng gì. Nhưng đây là công việc mà chị và một số người phải làm để mưu sinh hằng ngày. Giờ tìm công việc khác để làm không phải dễ. “Chúng tôi cũng cần có công ăn việc làm nên mong các cấp chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi có việc làm khác trước khi phải dừng việc xẻ mực” - chị T nói.
Anh M (cũng làm nghề xẻ mực) cho biết làm nghề này cũng rất cực khổ, biết là gây ô nhiễm môi trường làm phiền bà con xung quanh nhưng nó là nghề kiếm sống của cả gia đình anh. Giờ mà đầu tư máy móc, thiết bị để giảm việc ô nhiễm thì chắc rằng những người làm nhỏ lẻ như anh không có khả năng. “Nghề này giờ cũng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân địa phương, dẹp nghề này họ cũng không biết làm gì.
Tôi rất mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng có giải pháp nào hỗ trợ, giúp chúng tôi giảm thải ô nhiễm từ việc xẻ mực để duy trì nghề. Chứ dẹp luôn thì cũng khổ cho bà con làm nghề” - anh M chia sẻ.•
Giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm vào tháng 7-2022
Về tình trạng ô nhiễm ở khu vực đầm Đề Gi, chúng tôi đã từng nhiều lần xử phạt các hộ dân xẻ mực gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Vừa qua, đại diện UBND huyện Phù Cát và UBND xã Cát Khánh cũng có buổi làm việc với những hộ dân chế biến mực tại địa phương.
Theo kế hoạch, địa phương sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng chế biến mực gây ô nhiễm này vào tháng 7-2022. Chính quyền sẽ vận động bà con ngừng sản xuất, hỗ trợ người dân tìm hướng ra bằng các công việc khác và người dân phải ký cam kết không tái phạm việc chế biến gây ô nhiễm môi trường.
Những hộ nào còn tái phạm và không thực hiện đúng cam kết, chính quyền huyện Phù Cát sẽ xử lý theo luật định.
Ông NGUYỄN TRUNG HIẾU, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh