Nhà vũ trụ học quá cố Carl Sagan từng tâm sự: "Kể cả khi người ngoài hành tinh là một giống loài thấp bé, đần độn, chỉ cần họ tồn tại thì tôi cũng rất muốn được biết về họ!".
Thúc đẩy bởi cùng một suy nghĩ giống Carl Sagan, một nhóm các nhà khoa học quốc tế do Nasa dẫn đầu đã phát triển một dự án truyền gửi thông điệp tới trung tâm của Dải ngân hà.
Tên lửa đạn đạo liên vì sao, được gọi là Beacon in the Galaxy, được tạo ra để gửi đi thông điệp làm quen từ Trái Đất tới vũ trụ. Thông điệp giao tiếp này bao gồm một số khái niệm cơ bản trong toán học và vật lý, các thành phần cấu tạo nên DNA và thông tin về con người. Tất nhiên, vị trí của Trái đất cũng được hé lộ, tạo cơ hội để người ngoài hành tinh có thể phản hồi nếu nhận được thông điệp.
Thông điệp được gửi từ Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu có khẩu độ 500 mét ở Trung Quốc.
Trong một bài báo sơ bộ chưa được bình duyệt, các nhà khoa học cho rằng nên gửi thông điệp này đến một vòng dày đặc các ngôi sao gần trung tâm của Dải Ngân hà. Khu vực được cho là hứa hẹn nhất cho việc tồn tại sự sống ngoài Trái Đất.
Đây không phải là thông điệp đầu tiên được phát đi từ Trái Đất. Beacon in the Galaxy dựa trên thông điệp Arecibo được gửi vào năm 1974 từ một đài quan sát cùng tên ở Puerto Rico. Lần đó, thông điệp Arecibo được nhắm gửi tới khu vực một cụm sao cách chúng ta khoảng 25 nghìn năm ánh sáng. Do khoảng cách rất xa nên các nhà khoa học không kỳ vọng sẽ sớm nhận được dấu hiệu phản hồi.
Những nỗ lực liên lạc giữa các vì sao không hề đơn giản. Tỷ lệ một nền văn minh lớn ngoài vũ trụ có thể nhận được thông điệp là cực kỳ thấp. Ngay cả khi đã nhận được thông điệp, việc thiết lập các phương thức giao tiếp hiệu quả giữa đôi bên có thể gây khó chịu khi một phản hồi có thể mất tới hàng chục nghìn năm để đến được phía bên kia.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nỗ lực kết nối với sự sống ngoài hành tinh đã được các nhà khoa học thực hiện.
Bên cạnh sự thôi thúc mãnh liệt về tính khám phá, nhiều giáo sư từng cảnh báo rằng con người nên hạn chế gửi thông điệp vào không gian. Nhà vật lý Stephen Hawking nêu quan điểm: "Nếu người ngoài hành tinh tồn tại và đến thăm chúng ta, sẽ có khả năng giống như khi Columbus khám phá ra Châu Mỹ, điều mà đã gây nên hậu quả không tốt cho người Mỹ bản địa".
Tuy nhiên, nhóm phát triển dự án Beacon in the Galaxy cho rằng một giống loài ngoài hành tinh có khả năng giao tiếp xuyên vũ trụ nhiều khả năng sẽ có ý thức cao về giá trị của hòa bình và hợp tác. Nếu tồn tại một giống loài có công nghệ phát triển như vậy, họ và người Trái Đất đều là những giống loài trưởng thành trong vũ trụ. Do đó, việc cố gắng khám phá và kết nối với sự sống ngoài hành tinh mang lại lợi ích tổng thể lớn hơn nếu so với tỷ lệ rủi ro có thể xảy đến.
https://genk.vn/nasa-muon-phat-tin-hieu-he-lo-vi-tri-trai-dat-cho-nguoi-ngoai-hanh-tinh-cac-nha-khoa-hoc-lap-tuc-canh-bao-20220423091537612.chn