Sáng 24.4, HĐND TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức lao động với chủ đề "Chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động". Hội nghị được kết nối trực tuyến với 4 điểm cầu khác trên địa bàn với sự tham gia của khoảng hơn 400 công nhân, người lao động.
Lương không tăng, các chi phí tăng cao
Cử tri Hà Thị Trang, đại diện công nhân lao động, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina, phát biểu: "Với tình hình thực tế hiện nay 2 năm nhà nước không tăng lương, nhưng vật giá gia tăng liên tục từ 10-20% mỗi năm. Để mua được nhà ở vực Bình Dương, Đồng Nai hay TP.HCM với đồng lương ít ỏi như chúng tôi thật khó!"
Chưa kể, theo cử tri Hà Thị Trang, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng tại các doanh nghiệp ít, thời gian tăng ca giảm, làm cho lương công nhân không đủ chi trả các khoản phí phát sinh như ăn uống, đi lại, nuôi con nhỏ...
"Tôi kiến nghị, TP.HCM có chính sách cho công nhân được mua nhà ở xã hội cũng như xây dựng các khu nhà cho công nhân thuê giá rẻ để công nhân giảm bớt gánh nặng về nhà ở", cử tri Hà Thị Trang nói.
Cử tri Nguyễn Thị Thu Phương, nghiệp đoàn xe ôm công nghệ - Liên đoàn Lao động Q.7, trải lòng tại hội nghị: "Tôi xin trình bày tâm tư của bản thân và những công nhân lao động nhập cư. Tôi hiện nay đang là tài xế Grab xe máy, là lao động nhập cư, có 1 con trai đang học tiểu học, đang ở nhà trọ. Với mức thu nhập hiện nay khoảng 7 triệu đồng/tháng, chỉ đủ thuê 1 phòng trọ nhỏ với mức thuê 1,5 triệu đồng/tháng. Số còn lại phải tiết kiệm mới đủ cho cuộc sống của 2 mẹ con nên rất khó có tiền dư để mua nhà ở tại TPHCM".
"Mỗi quận, huyện cần phải xây dựng các chung cư với các loại căn hộ có diện tích phù hợp cho gia đình có 2 - 4 người, giá cả phù hợp với thu nhập trung bình của công nhân, người lao động, bán trả góp với giá cả ưu đãi hoặc cho thuê giá rẻ", cử tri Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Nữ lao động nhập cư cũng cho hay: "Đối với lao động tự do, nếu tham gia các nghiệp đoàn thì công đoàn viên cũng cần quỹ hỗ trợ vốn vay riêng vì hiện nay Quỹ hỗ trợ phát triển nhà TP.HCM chủ yếu chỉ dành cho cán bộ, công chức hoặc những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân với chủ đề "Chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động" của HĐND TP.HCM sáng 24.4 phạm thu ngân |
Cử tri Nguyễn Thị Thu Phương đề nghị TP.HCM có những chính sách hỗ trợ cho lao động nhập cư, nhất là chính sách nhà ở.
Tại hội nghị, cử tri Phạm Thị Lan Anh, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM cũng đặt vấn đề về tiến độ triển khai các chỉ tiêu xây dựng nhà ở tại TP.HCM, trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn.
“Hiện nay, các cơ quan chức năng được giao tổ chức thực hiện đã có những giải pháp cụ thể gì nhằm triển khai thực hiện đề án nêu trên? Và thời gian nào thì người lao động có thể tiếp cận được việc đăng ký mua nhà?, cử tri Phạm Thị Lan Anh nói.
Giá nhà ở xã hội hiện nay từ 1 - 1,6 tỉ đồng
Tại hội nghị, đại diện một số sở ban ngành cũng thông tin thêm về hiện trạng kế hoạch phát triển, xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết nếu như trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá căn hộ ở mức từ 20 - 25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 - 1,6 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân phạm thu ngân |
Từ năm 2016 - 2020, TP.HCM đưa vào sử dụng 19 dự án (tổng diện tích hơn 24ha) với khoảng 15.000 căn. Trong số đó, có 2 dự án từ vốn ngân sách, còn lại là vốn của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu 47 dự án nhà ở (có 10 dự án bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các Q.7, Q.Bình Tân và TP.Thủ Đức; còn các quận nội thành chỉ có 2 dự án.
Ngoài ra, TP.HCM cũng khuyến khích các địa phương ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, đáp ứng trên 35.000 căn hộ.
"Hiện nay, rà soát trên địa bàn TP.HCM có 33 dự án với khoảng 70.000 căn hộ có diện tích đất trên 10ha, bắt buộc phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội", ông Khiết thông tin thêm.
Lãnh đạo Sở xây dựng TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong các chính sách hỗ trợ như về vốn để thu hút các nhà đầu tư và cho hay đã trình cho UBND TP.HCM các quy trình rút gọn để đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội này xuống dưới 6 tháng cho các chủ đầu tư (theo quy trình bình thường thì trên 1 năm); rà soát các quỹ đất để thực hiện dự án, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án...
36% người được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng - dưới 1 tỉ đồng
Theo khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM với khoảng 41.000 cử tri nữ công nhân, người lao động thì có đến 41% người tham gia khảo sát hiện đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố.
Trong khi đó, có 64% người tham gia khảo sát có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội; 70% có nhu cầu mua nhà cho 3 - 4 người ở; 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50 m2 đến 70m2.
Điều đáng lưu ý, có tới 36% người được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng - dưới 1 tỉ đồng; hơn 33% lựa chọn mua nhà từ 1 tỉ đồng - dưới 1,5 tỷ đồng; gần 20% mua từ 1,5 tỉ đồng - dưới 2 tỉ đồng; hơn 10% mua nhà trên 2 tỉ đồng.
Theo thống kê, TP.HCM có một khu công nghệ cao với 88 doanh nghiệp hoạt động, 17 khu chế xuất - khu công nghiệp với hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động. TP.HCM cũng có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động (gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức.