Báo cáo của Viện Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy chi tiêu quốc phòng tăng 0,7% trong năm 2021. Theo đó, các nước đã chi tổng 2.113 tỷ USD cho quân đội của mình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chi tiêu cho quốc phòng toàn cầu vượt 2.000 tỷ USD/năm và có vẻ sẽ tăng hơn nữa khi các nước châu Âu tăng cường năng lực quân sự sau chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Theo dữ liệu từ SIPRI, sau một thời gian ngắn giảm chi tiêu quốc phòng trong giai đoạn 2011-2014, các nước đã liên tiếp tăng tiền cho quân sự trong 7 năm liên tiếp. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến nhiều chính phủ châu Âu cam kết gia tăng chi tiêu cho quân sự nhằm tăng cường khả năng cho lực lượng của họ.
Lucie Beraud-Sudreau, giám đốc chương trình chi tiêu quốc phòng và vũ khí của SIPRI, cho biết: "Châu Âu có xu hướng ngày càng gia tăng chi tiêu cho quốc phòng và sẽ tăng cường hơn nữa. Thông thường, sự thay đổi diễn ra từ từ cho đến khi khủng hoảng nổ ra. Sau đó sẽ là những thay đổi bước ngoặt. Tôi nghĩ chúng ta đang ở thời điểm đó".
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, chi tiêu cho quốc phòng ở châu Âu đã gia tăng. Cùng với đó, Chính quyền của Tổng thống Doanld Trump đã yêu cầu các đồng minh NATO phải chi tiêu nhiều hơn cho lực lượng vũ trang của họ. Chi tiêu của châu Âu vào năm 2021 đã chiếm 20% tổng chi toàn cầu dành cho quốc phòng.
Trung Quốc cũng đã vươn lên thành quốc gia chi nhiều cho quốc phòng lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Bắc Kinh chiếm 14% tổng số ngân sách quốc phòng toàn cầu.
Mỹ, cho đến nay, vẫn là nước chi tiêu nhiều nhất với 801 tỷ USD được phân bổ cho các lực lượng vũ trang vào năm 2021. Trong thập kỷ qua, chi tiêu quân sự của Mỹ đã chiếm tới 39% tổng chi tiêu toàn cầu.
Nhà nghiên cứu Alexandra Marksteiner của SIPRI cho biết trong khi chi tiêu thực tế của Mỹ cho quốc phòng giảm nhưng họ đã dành nhiều ngân sách hơn cho nghiên cứu và phát triển quân sự. Điều này cho thấy Washington đang tập trung nhiều hơn vào các loại công nghệ tiếp theo.
Theo Beraud-Sudreau, các quốc gia châu Âu từ Thụy Điển đến Tây Ban Nha đều đã cam kết tăng ngân sách quốc phòng, dấu hiệu ban đầu cho thấy hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống vũ khí sẽ là ưu tiên hàng đầu. Khi làm như vậy, họ phải đối mặt với lựa chọn mua bán để nhanh chóng tăng cường năng lực hoặc đầu tư, nghiên cứu để có cách tiếp cận lâu dài hơn cũng như gia tăng ngành công nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở Ukraine, người ta có thể nhận thấy mua vũ khí không phải giải pháp duy nhất. Để thực hiện chiến dịch quân sự, Nga đã phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề hậu cần, thông tin liên lạc….
"Rất nhiều thách thức mà Nga đã phải đối mặt liên quan đến hậu cần, nhiên liệu, lốp xe, thông tin liên lạc…. Mua những thứ này có lẽ sẽ không thu hút nhiều sự quan tâm nhưng rõ ràng, với những gì đang xảy ra ở Ukraine, nó là một phần rất quan trọng trong chiến tranh", bà Beraud-Sudreau nói.
http://tintuc.vdong.vn/04/1325947.htm