Sau chuỗi giảm mạnh mất gần 80 điểm tuần vừa rồi, thị trường chứng khoán phiên hôm nay (25/4) có thời điểm ghi nhận mức giảm gần bằng cả tuần vừa rồi cộng lại và cũng xác lập kỷ lục "buồn", trở thành cú giảm sâu lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường mở cửa phiên sáng với hàng loạt mã cổ phiếu thuộc tất cả các ngành nghề lao dốc. Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán Tp.HCM chốt phiên sáng đầu tuần tại 1.346,2 điểm, giảm hơn 33 điểm so với tham chiếu, tương ứng giảm 2,39%. Đây là mức giảm mạnh trong vòng ba tháng trở lại đây. Phiên giảm này khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ bởi VN-Index phiên cuối tuần vừa rồi (22/4) vừa có phiên hồi phục.
Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy không xuất hiện. Thị trường sau đó không những không khả quan lên mà còn lao dốc phi mã khi bước vào phiên giao dịch chiều. Áp lực bán tăng mạnh trong những phút đầu phiên chiều khiến chỉ số VN-Index liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ. Trong nửa tiếng đầu phiên chiều, chỉ số mất thêm 20 điểm so với trước giờ nghỉ trưa. Không có nhóm ngành nào thật sự đóng vai trò dẫn dắt xu hướng thị trường
Đà bán tháo lan rộng khiến sắc đỏ phủ bóng các bảng điện tử. VN-Index có thời điểm rơi hơn 78 điểm xuống sát mốc 1.300 điểm. Đây là mức giảm sâu nhất của VN-Index trong lịch sử. Phiên giảm mạnh nhất từng ghi nhận trước đó diễn ra vào 29/1/2021 khi chỉ số mất tới 73,23 điểm.
30/30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường trong rổ VN30 đều giao dịch dưới tham chiếu. Thậm chí có tới 16 mã ghi nhận giảm sàn, nhiều thời điểm mất tín hiệu mua.
Tất cả các mã bán lẻ như MWG, PNJ, FRT, DGW... đều giảm sàn. Nhóm cổ phiếu "vua" cũng nhiều mã giảm sàn như BID, CTG, LPB, STB, OCB, VPB, TCB... Còn lại hầu hết cũng đều giảm sát sàn hoặc biên độ lớn từ 2-5%.
Ở chiều ngược lại, điều bất ngờ xảy ra với các cổ đông FLC khi chính các cổ phiếu "họ FLC" đang là danh mục kìm hãm đà lao dốc của thị trường. Trái với đà giảm, các mã này hầu hết đều ghi nhận tăng điểm trong phiên giao dịch dù biên độ không quá lớn.
Trên khắp các diễn đàn về chứng khoán trên mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư tỏ ra ngỡ ngàng khi nhìn chỉ số chung. Họ đồng loạt cho rằng call margin là một trong những nguyên nhân chính khiến đà bán tháo bị kích hoạt.
Bước vào phiên ATC, VN-Index hồi hơn 10 điểm xuống 1.310,92 điểm song vẫn giảm tới 68 điểm và đưa chỉ số về thời điểm tháng 8/2021. Toàn sàn HoSE hôm nay chỉ có 37 mã tăng giá, còn lại 443 mã giảm giá và 176 mã giảm sàn. Tại sàn Hà Nội, có 54 mã tăng giá, 193 mã giảm giá và có tới 53 mã giảm kịch sàn. Các nhóm vốn hóa trung bình như chứng khoán, thủy sản, bất động sản, thép, hay nhóm đầu cơ... đều trong tình trạng bị bán tháo trên diện rộng. Lượng cổ phiếu giảm chiếm tới 88% tổng số cổ phiếu. Rổ VN30-Index đóng cửa giảm gần 78 điểm, tương ứng 5,4% xuống 1.366,39 điểm.
Khối ngoại hôm nay lại tiếp tục gom hàng. 214 tỷ là giá trị được mua ròng hôm nay. Vẫn có những mã bị bán mạnh như HPG (118,31 tỷ đồng), DXG (73,62 tỷ đồng), VCB (38,5 tỷ đồng)... Nhưng ngược lại một số mã vẫn ghi nhận được mua mạnh là STB, VRE, DGC, VNM, GMD...
Tuần khối ngoại gom cổ phiếu khi nhà đầu tư nội "xả hàng"
Thanh khoản thị trường ở mức trung bình. Sàn HoSE ghi nhận giá trị giao dịch gần 22.000 tỷ đồng, nhóm VN30 giao dịch hơn 10.100 tỷ đồng.