Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin (phải) và Ngoại trưởng Blinken trong cuộc họp báo trước khi rời Ukraine ngày 25-4 - Ảnh: AFP
"Chúng tôi không có lực lượng túc trực trên bộ tại Ukraine nên quả thật việc này rất khó", Bộ trưởng Austin trả lời trong cuộc họp báo chiều 25-4 (giờ Việt Nam).
Câu hỏi được đặt ra cho ông là liệu Mỹ có đảm bảo những vũ khí như tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin không rơi vào tay lực lượng ly khai miền đông Ukraine được Nga hậu thuẫn hay không, theo Hãng tin Reuters.
"Chúng tôi đã có những cuộc hội đàm rất tốt với tổng thống và bộ trưởng quốc phòng Ukraine về sự cần thiết phải đảm bảo rằng những vũ khí này đến đích theo cách hiệu quả nhất có thể và không rơi vào tay kẻ thù của họ", ông Austin nói thêm.
Bộ trưởng Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken vừa kết thúc chuyến thăm Ukraine, trở thành hai quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến nước này kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, một số cam kết đã được Mỹ đưa ra trước các yêu cầu của phía Ukraine. Ông Austin mô tả cuộc gặp không chỉ nhằm giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện tại mà còn hướng tới xây dựng năng lực quân sự trong tương lai.
Theo kế hoạch, ông Austin sẽ chủ trì một hội nghị đặc biệt về Ukraine tại Đức trong ngày 26-4. Trong đó các quan chức và tướng lĩnh đến từ ít nhất 20 nước sẽ bàn cách làm thế nào để cung cấp vũ khí và giúp xây dựng quân đội Ukraine trong dài hạn.
Binh sĩ Ukraine chuyển các tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ viện trợ lên xe tải - Ảnh: AFP
Theo Đài CNN, Mỹ có rất ít cách để theo dõi đường đi của các vũ khí đã chuyển cho Ukraine. Các nguồn tin của CNN trong chính quyền Mỹ mô tả đây là một "điểm mù" và một rủi ro nhưng Washington sẵn sàng chấp nhận.
Một quan chức quốc phòng giấu tên nhận định các khoản viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine trong 2 tháng qua là khoản hỗ trợ lớn nhất cho một nước đối tác trong xung đột.
Nhưng rủi ro, theo cả các quan chức đương nhiệm và các nhà phân tích quốc phòng của Mỹ, là về lâu dài, một số vũ khí trong số đó có thể rơi vào tay các quân đội và nhóm dân quân mà Mỹ không có ý định trang bị.
Tuy nhiên theo một quan chức quốc phòng, chính quyền Biden đang coi việc không trang bị vũ khí đầy đủ cho Ukraine là một rủi ro lớn hơn việc số vũ khí này rơi vào tay kẻ khác.
Một nguồn tin của CNN thừa nhận Mỹ và NATO phụ thuộc vào các thông tin thực địa mà Ukraine cung cấp. Song, phương Tây biết rõ sẽ có những lúc Kiev chỉ cung cấp những thông tin giúp nước này nhận được nhiều vũ khí hơn để chiến thắng cuộc chiến.
"Đây là một cuộc chiến tranh, vậy nên những thứ họ làm và nói công khai đều được thiết kế để giúp họ giành chiến thắng trong cuộc chiến. Những tuyên bố công khai là một phần trong tác chiến thông tin, mọi cuộc phỏng vấn, mọi sự xuất hiện của Tổng thống Zelensky đều là một phần trong đó", một nguồn am hiểu vấn đề nói với CNN.
TTO - Khi cuộc tranh luận có nên gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine vừa kết thúc, phương Tây lại đối diện một vấn đề nan giải khác: có nên chia sẻ thông tin tình báo với Kiev và chia sẻ ở mức nào.
Xem thêm: mth.27230736152402202-eniarku-ohc-neyuhc-ihk-uv-tev-oeht-ohk-nahn-auht-ym/nv.ertiout