Ed Butcher, 78 tuổi, trở về nhà ăn tối sau gần một ngày ở trang trại, cách xa phạm vi phủ sóng của điện thoại di động đến hàng dặm. "Anh có bỏ lỡ điều gì không?", ông hỏi vợ mình là bà Pam khi bật kênh tin tức trên TV.
"Chúng ta đang nói về nguy cơ xung đột hạt nhân. Tình trạng này có thể leo thang và bùng nổ ngoài sức tưởng tượng điên rồ nhất của bất kỳ ai trong chúng ta," bình luận viên trên truyền hình nói về việc Nga đưa lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Khi đó, cặp vợ chồng cúi đầu để cầu nguyện trước khi ăn bữa tối.
"Điều không tưởng" đang trở thành mối đe dọa
Ed tắt TV, nhìn ra ngoài cửa sổ và hướng mắt đến đồng cỏ trải dài hàng dặm. Gia đình của Ed đã ở trên mảnh đất này kể từ khi ông bà của ông về đây sống vào năm 1913 nhưng hiếm khi nào cuộc sống ở trang trại lại bấp bênh như vậy. Đất đai của họ khô cằn do hạn hán kỷ lục, đại dịch khiến trang trại gần như bị rơi vào quên lãng, cháy rừng cũng đã tàn phá nhiều thứ và giờ đây, nơi này có sự liên đới với cuộc chiến có thể khiến cả thế giới gặp nguy hiểm.
Ông Butcher kiểm tra hàng rào thép gai trong khi kiểm tra trang trại gia đình rộng 12.000 mẫu Anh.
"Đôi khi anh tự hỏi điều gì có thể xảy ra," Ed nói khi nhìn hướng cuối phía tây của trang trại, nơi một tên lửa hạt nhân của chính phủ Mỹ được chôn ngay phía bên dưới đồng cỏ.
"Anh có bao giờ nghĩ rằng họ sẽ phóng nó lên trời không?" Pam hỏi.
Ed trả lời: "Anh đã từng nghĩ là "Không thể nào đâu" nhưng bây giờ thì anh nghĩ "Xin Chúa đừng để chúng con phải chứng kiến điều đó."
Tên lửa này được gọi là Minuteman III, và địa điểm phóng đã thuộc sở hữu của Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Không quân trả 150 USD cho một mẫu đất của họ. Chính phủ Mỹ đã cho lắp đặt kho chứa vũ khí hạt nhân trên khắp vùng nông thôn miền Tây. Khoảng 400 tên lửa trong số đó vẫn hoạt động và sẵn sàng phóng ở Montana, Wyoming, North Dakota, Colorado và Nebraska. Chúng nằm trong hàng chục trang trại tư nhân giống như trang trại thuộc về gia đình Butcher. Còn gia đình ông thì đã làm "láng giềng" với một hầm chứa lửa hạt nhân được 60 năm rồi.
Chiếc tên lửa được chôn sau hàng rào bằng dây kém gai và bên dưới một cánh cửa bê tông và thép nặng 110 tấn. Nó dài 60 feet, nặng 79.432 pound và có sức nổ lớn hơn ít nhất 20 lần so với quả bom nguyên tử đã giết chết 140.000 người ở Hiroshima.
Một đội Không quân đóng trong boongke ngầm cách đó vài dặm, sẵn sàng bắn tên lửa bất cứ lúc nào nếu có lệnh. Nó sẽ thoát ra khỏi hầm chứa trong khoảng 3,4 giây và bay lên phía trên trang trại với tốc độ 10.000 feet/giây. Nó được thiết kế để bay lên cao 70 dặm so với Trái đất, bay khắp thế giới trong 25 phút và sẽ phát nổ khi chỉ còn cách mục tiêu của mình vài trăm mét.
Quả cầu lửa sau đó sẽ làm bốc hơi mọi người và mọi công trình trong vòng nửa dặm. Vụ nổ sẽ san phẳng các tòa nhà trong bán kính 5 dặm. Các đám cháy và liều lượng bức xạ gây tử vong sẽ lan rộng hơn hàng chục dặm, dẫn đến cái mà các chuyên gia quân sự Mỹ gọi là "sự hủy diệt hoàn toàn của hạt nhân".
Trong nhiều năm, họ đã tính đến mọi mối đe dọa có thể hình dung được đối với vùng đất của mình. Hạn hán đã làm mất hết các chất dinh dưỡng trong đất. Mưa đá tàn phá mùa màng. Sói và sư tử núi tấn công đàn gia súc. Đại bàng bổ nhào xuống bầy cừu. Sọ động vật rải rác trên cùng một đồng cỏ, nơi hàng chục con non mới sinh đến vào mỗi mùa xuân. Và rồi con trai cả của gia đình Butcher đột ngột qua đời trên trang trại vì một cơn hen suyễn.
Có thể thấy đời sống nơi đây không dễ dàng, nhưng một trong những điều Ed đánh giá cao về cuộc sống trang trại là nó đã đưa ông đến gần hơn với các chu kỳ tự nhiên của sự sống và cái chết. Điều đó chỉ khiến ý tưởng về sự phá hủy bằng hạt nhân hàng loạt do con người tạo ra trở nên khó tưởng tượng hơn.
Mặc dù nó ở trong trang trại của 2 vợ chồng, họ chưa bao giờ được phép xuống bên trong hầm chứa tên lửa. Đôi khi họ nhìn thấy những đoàn xe Humvee và một chiếc bán tải đi trên con đường đất của họ về phía bãi phóng. Một lần Ed đã nhìn thấy một phần của Minuteman III khi nó đang được hạ xuống đất, với đầu đạn sơn đen trắng của nó và động cơ tên lửa. Nhưng boongke dài 80 foot ấy vẫn là nơi mà họ chỉ có thể đến bằng trí tưởng tượng.
Chỉ mong có được cuộc sống bình yên
Nơi này được chính phủ biết đến với cái tên Launch Facility E05, một trong 52 điểm đặt tên lửa hạt nhân đang hoạt động trên các trang trại nhà dân cũ của Quận Fergus. Chính phủ đã chọn khu vực Montana vắng vẻ thành một điểm nóng hạt nhân vào những năm 1950 vì nơi này tương đối gần Nga.
Giả thuyết cho rằng thay vì dỡ bỏ tất cả tên lửa trên các thành phố lớn của Mỹ, kẻ thù sẽ phải sử dụng một số tên lửa đó để tấn công các hầm chứa xung quanh Winifred, Montana - nơi sinh sống của 35.000 con gia súc và 189 cư dân.
Ngày đó, quân đội đã xây dựng địa điểm phóng tên lửa khi Ed còn là một chàng thiếu niên. Ông đã gần như coi đây là một cuộc xâm nhập, một sự tiếp cận quá mức của chính phủ liên bang. Ông gọi là đó "sự điên rồ của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân".
Ngay cả khi các nhà sử học tin rằng những quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki là thứ cần thiết để kết thúc Thế chiến thứ hai, ông hy vọng sẽ không bao giờ phải chứng kiến sự tàn phá đó thêm một lần nào nữa trong đời.
Là một giáo sư đại học, ông đã lái một chiếc xe buýt Volkswagen được vẽ biểu tượng hòa bình trên cửa sổ phía sau. Bà Pam đã tham gia một cuộc biểu tình chống lại tên lửa Minuteman tại một tòa nhà liên bang ở vùng nông thôn Bắc Dakota.
Họ dự đoán có lẽ sẽ thấy những kịch bản mà họ từng nghe về các hầm chứa khác: rò rỉ hóa chất độc hại, các vụ nổ nhỏ bất ngờ, các nhóm nữ tu tự xích mình vào hàng rào hầm chứa như một cách để biểu tình.
Tuy vậy, mỗi lần Ed đi kiểm tra hầm chứa, tất cả những gì ông thấy chỉ là gió và trời, đôi khi có con bò vướng vào hàng rào. Không quân đã thay thế tên lửa Minuteman ban đầu bằng Minuteman II và sau đó là Minuteman III. Các đội quân sự đã xây dựng những con đường đất tốt hơn ở trang trại Butcher. Họ đã cày xới những con đường đó vào mùa đông, cung cấp việc làm cho thợ điện và nhà thầu ở Quận Fergus và làm việc trên bãi phóng chủ yếu trong màn đêm.
Một phần của hầm chứa tên lửa ở trang trại nhà Butcher
Theo như Ed có thể nói vào lúc ấy, không có gì xảy ra hết. Tên lửa không bao giờ được phóng. Ngày tận thế bởi hạt nhân không bao giờ đến. Sau một thời gian, Ed không còn thấy nó giống như một mối nguy hiểm nữa mà có lẽ đã thành một phần của cảnh quan. Nó trở thành một di tích vô hại của Chiến tranh Lạnh. Đó là điều mà Ed nghĩ cho đến cuối tháng 2, khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt vũ khí hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao hơn.
Ed nói: "Tôi cá là các vệ tinh của Nga đang đếm từng sợi tóc trên đầu mình."
Ông nhìn lên bầu trời và sau đó kéo chiếc mũ sụp xuống mắt. "Tôi sẽ thích hơn khi nơi này chỉ được coi như một phần của lịch sử," ông nói.
http://tintuc.vdong.vn/04/1326644.htm