Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định vừa khởi tố Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định (CDC Nam Định) và 4 cán bộ liên quan đến vụ kit xét nghiệm Việt Á. Trong đó, bị can Vũ Thị Ngọc Thanh, Phó trưởng khoa Xét nghiệm bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản".
Vũ Thị Ngọc Thanh bị cáo buộc đã có hành vi chiếm đoạt số kit xét nghiệm của Nhà nước bán cho Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á để trục lợi với số tiền 800 triệu đồng.
Ngoài Vũ Ngọc Thanh, 4 cán bộ khác của CDC Nam Định bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự.
4 bị can này gồm: Đỗ Đức Lưu (Giám đốc), Vũ Ngọc Tuyên (Kế toán trưởng), Phạm Thị Nga (Trưởng khoa Dược-Vật tư y tế), Vũ Khánh Vân (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ).
Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong hai năm 2020 - 2021, CDC Nam Định ký 5 hợp đồng mua kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á. Công ty Việt Á trích hoa hồng ngoài hợp đồng chỉ định thầu kit test cho CDC Nam Định với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
Bước đầu các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội. Vật chứng đã thu hồi được là hơn 1,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trả lời báo chí trước đó, Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu cho hay quá trình thực hiện hợp đồng mua sắm kit test với Công ty Việt Á, CDC Nam Định đều thực hiện đủ 13 bước theo quy trình đấu thầu bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, được Sở Tài chính Nam Định và các cơ quan chức năng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt rồi mới ký hợp đồng mua.
Ông Lưu khẳng định “tôi không lấy bất cứ đồng hoa hồng nào” trong các hợp đồng mua sắm trang thiết bị y tế nêu trên.
Liên quan vụ việc, đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố khoảng 30 bị can trong vụ án tiêu cực liên quan đến bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Trong số này, nhiều người là cán bộ cấp cao của CDC các địa phương, hoặc lãnh đạo cấp vụ thuộc các bộ, ngành.
Theo lời khai của Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Việt Á), bị can này đã cấu kết với nhiều người khác để nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%. Doanh nghiệp này đã chi hoa hồng gần 800 tỷ đồng cho các đối tác để được cung ứng kit. Riêng số tiền công ty này thu lợi hơn 500 tỷ đồng.
Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thuý Chinh nhận xét năm 2021, tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Trong năm qua còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn xảy ra các vi phạm pháp luật trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương, làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân./.
Theo Minh Tuệ
VOV