Phiên họp thường niên năm nay của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thu hút sự quan tâm của lượng cổ đông lớn (gấp nhiều lần mọi năm), khi nhà băng này công bố một loạt kế hoạch, từ tăng vốn khủng, lợi nhuận đứng đầu khối ngân hàng tư nhân, cho tới thông tin về việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về khả năng tham gia tái cơ cấu, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết ngân hàng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, ngân hàng chưa tiết lộ thông tin chi tiết và chưa có tờ trình gửi các cổ đông trong phiên họp chiều 29/4. "Việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng bắt buộc nếu có cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định nhưng còn quá sớm để khẳng định điều đó", ông Dũng nói.
Trước đó, Vietcombank và MB đã trình cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng trong số 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Ngoài nội dung này, phương án tăng vốn, kế hoạch kinh doanh của VPBank cũng là tâm điểm chú ý.
Năm nay, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt gần 30.000 tỷ đồng, con số này hiện là mức lợi nhuận cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân, và chỉ xếp sau Vietcombank.
Căn cứ của kế hoạch này là mức tăng trưởng tín dụng dự kiến 35%, phụ thuộc vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, với dư nợ cho vay tăng từ 384.000 tỷ lên 518.400 tỷ đồng. Tổng tài sản ngân hàng đến cuối năm nay mục tiêu tăng 27,4%, huy động vốn tăng 27,8%.
Trước câu hỏi về mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh, ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank, cho biết con số gấp đôi là tham vọng, nhưng ngân hàng đã có chiến lược cụ thể, định hướng các động lực tăng trưởng và tự tin vào kế hoạch. "Trong quý I, VPBank có khoản thu bất thường từ hợp tác bảo hiểm, tuy nhiên ngay cả khi trừ các khoản này, kết quả kinh doanh vẫn đạt được dựa trên nền tảng đã xây dựng", ông Vinh cho biết.
Một câu hỏi mà các ngân hàng đều nhận được trong các phiên họp thường niên gần đây là ảnh hưởng của việc siết dòng vốn cho bất động sản, CEO VPBank cho biết cho vay lĩnh vực này chiếm chưa đến 10% dư nợ. Trong khi đó, cho vay người mua bất động sản để ở chiếm khoảng 40%. "Nhu cầu mua nhà để ở của người dân là nhu cầu chính đáng và không bị siết, đó cũng là xu hướng của toàn thế giới. Còn cho vay bất động sản nghỉ dưỡng và đầu cơ sẽ được chú ý và kiểm soát chặt", ông Vinh nhận xét.
VPBank cũng dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ để trở thành ngân hàng có quy mô vốn đứng đầu hệ thống. Theo đó, nhà băng này sẽ tăng vốn thông qua hai đợt, nâng quy mô từ 45.056 tỷ lên 79.334 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu tỷ lệ 50% từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vào quý II hoặc quý III. Sau đó, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 30%.
Ngân hàng cũng trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với khối lượng 30 triệu cổ phiếu. Số này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm, với tỷ lệ giải toả dần mỗi năm lần lượt là 30%, 35% và 35%.
Nguồn vốn thu được dự kiến sử dụng nhằm tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, hợp tác khác với các tổ chức tín dụng và các công ty con.
Một nội dung khác cũng được trình tại phiên họp hôm nay là VPBank mua lại Công ty Bảo hiểm OPES, với vốn điều lệ 550 tỷ đồng.
Theo đó, VPBank sẽ mua 100% hoặc phần lớn (dự kiến trên 90%) với giá không quá 1,5 lần giá trị sổ sách công ty. Theo CEO VPBank, thương vụ này sẽ không xung đột với hợp đồng bảo hiểm đang có với AIA do OPES là sản phẩm phi nhân thọ.
Về sự cần thiết của thương vụ, theo ông Vinh, do OPES là công ty phát triển về các sản phẩm số hóa, nếu chỉ hợp tác thì không có sự gắn bó chặt chẽ. Theo kế hoạch, VPBank sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dần lên 100%, đưa OPES trở thành công ty con của ngân hàng.
Minh Sơn