Trần Nhật Hoàng với bước chạy gây chấn động ở SEA Games 30 - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Lâm Quang Nhật: cậu em út dám nghĩ dám làm
Nhiều người hâm mộ VN có lẽ vẫn chưa quên được hình ảnh Lâm Quang Nhật - “cậu em út” của đoàn thể thao VN tham dự kỳ SEA Games 2013 giương cao HCV bơi lội nội dung 1.500m. 9 năm sau, kình ngư người Sài Gòn vẫn dự SEA Games như một cậu em út trong đội, nhưng là với bộ môn triathlon (3 môn phối hợp).
Một tháng trước khi SEA Games 31 diễn ra, Lâm Quang Nhật giành chức vô địch giải đấu 3 môn phối hợp TRI - factor. Đây được xem là giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu của cộng đồng 3 môn phối hợp tại VN, là cơ sở quan trọng để Nhật hướng về giấc mơ giành huy chương ở SEA Games 31.
Tại Myanmar năm 2013, Nhật vô địch nội dung bơi 1.500m ngay trong lần đầu tham dự SEA Games. Đến Singapore 2015, Nhật tiếp tục bảo vệ HCV của mình. Trên đất Malaysia 2017, anh cũng chỉ chịu thua người đồng đội quá xuất sắc Nguyễn Huy Hoàng ở cự ly này. Năm đó Nhật 20 tuổi.
Chỉ một năm sau Nhật bất ngờ từ bỏ con đường VĐV với lý do chấn thương và để tập trung vào việc học. Nhưng không lâu sau, anh đã trở lại ở một thử thách rất mới mẻ.
“Mọi người thường ví các VĐV bơi lội khi không ở trong hồ bơi là giống như “cá lên bờ”. Tôi may mắn hơn vì từ nhỏ khá giỏi ở các môn cầu lông, bóng ném… Vì vậy, từ lần được mời tham dự thi tiếp sức ở giải Ironman 2019, tôi bắt đầu yêu thích 3 môn phối hợp rồi quyết định thử sức với môn này”, Nhật nói.
Dù có sẵn nền tảng thể lực, hình thể chuẩn mực của VĐV, nhưng phải bắt đầu một môn chơi mới ở độ tuổi đôi mươi vẫn là thử thách cực lớn với Lâm Quang Nhật, chẳng khác nào một người lâu ngày không tập thể dục nay lại xỏ giày ra sân. Một thời gian ngắn sau khi tập 3 môn phối hợp, Nhật gặp đủ loại chấn thương, từ đau khớp gối với chạy bộ cho đến đau lưng với đạp xe…
Nhưng cũng như khi thái độ quyết đoán lúc nghỉ bơi lội, Quang Nhật không hối hận với lựa chọn của mình. Anh kiên trì với việc tập luyện 3 môn phối hợp dù đây là một môn thể thao khá tốn kém (đòi hỏi trang thiết bị… gấp 3 lần một môn bình thường). Mùa dịch, Nhật phải chạy xe ôm công nghệ, và từng bước một tìm kiếm nhà tài trợ.
“Tôi chưa dám đặt ra mục tiêu giành huy chương 3 môn phối hợp ở SEA Games 31 bởi khoảng cách của VN và các nước còn xa. Tôi chỉ mong mình có thể tạo ra được một bước đột phá để rút ngắn khoảng cách so với các đối thủ”, Nhật chia sẻ. 3 năm trước đội tiếp sức của anh nằm trong nhóm chót bảng ở SEA Games 2019. Nhưng giờ đây, Quang Nhật cũng như các đồng đội trong đội 3 môn phối hợp VN đã có sự chuẩn bị tốt hơn.
Quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, cậu em út của tuyển bơi VN ngày nào giờ đây đang hướng đến mục tiêu độc nhất vô nhị: giành huy chương SEA Games với 2 môn khác nhau.
Giã từ sự nghiệp bơi lội, Lâm Quang Nhật giờ đây chuyển lên cạn với môn chạy bộ... .. và tiếp đó là đạp xe - Ảnh: NVCC
Trần Nhật Hoàng và nước rút sự nghiệp
3 năm trước làng điền kinh VN còn chưa nghe đến cái tên Trần Nhật Hoàng. Nhưng giờ đây trước thềm SEA Games 31, chân chạy sinh năm 2000 lại nằm trong số những VĐV “gánh” chỉ tiêu HCV của điền kinh VN, cũng như niềm tự hào sống lại một thời sôi động của điền kinh Khánh Hòa.
Sự nghiệp của Trần Nhật Hoàng kịch tính chẳng kém gì một cuộc đua nước rút. Đầu năm 2019, anh được chọn vào đội điền kinh trẻ quốc gia. Khi đó Hoàng đã 19 tuổi, sự nghiệp phát triển như vậy là khá muộn.
Và cũng chẳng ai nghĩ một VĐV mới vừa được gọi vào đội trẻ khi đó lại có thể lấy suất dự SEA Games. Đặc biệt khi tổ chạy 400m của tuyển điền kinh VN lúc ấy vẫn còn nhiều cái tên lẫy lừng như Quách Công Lịch, Trần Đình Sơn…
Thế rồi đến Giải vô địch quốc gia điền kinh 2019 diễn ra trước thềm SEA Games ba tháng, Trần Nhật Hoàng bất ngờ giành HCV nội dung 400m.
Kịch tính hơn, Trần Đình Sơn đã dẫn đầu cuộc đua trong suốt 390m đầu tiên, trước khi bị một “tia chớp” bứt phá và vượt qua trong 10m cuối. “Tia chớp” đó chính là Trần Nhật Hoàng - VĐV quê Khánh Hòa, về đích với thành tích 46,463 giây, hơn đàn anh Đình Sơn đúng… 0,004 giây.
Liền ngay sau đó, HLV Vũ Ngọc Lợi của tuyển điền kinh VN quyết định đôn Hoàng lên đội tuyển dự SEA Games. Điều này khiến Hoàng lẫn các HLV của anh cũng phải bất ngờ. Và rồi ở SEA Games 2019 trên đất Philippines, Trần Nhật Hoàng giành 3 HCV, bao gồm 1 HCV cá nhân (400m) và 2 HCV tiếp sức (4x400m nam và 4x400m hỗn hợp).
Cú bứt phá ngoạn mục đến vinh quang của Trần Nhật Hoàng gợi nhớ về một thời sôi động của điền kinh Khánh Hòa. Hơn 20 năm trước, vùng đất miền biển này còn là nòng cốt của tuyển điền kinh VN.
Ở SEA Games 2001, gần như toàn bộ thành tích của đội điền kinh đều thuộc về các VĐV Khánh Hòa với những tên tuổi lừng lẫy: Phạm Đình Khánh Đoan, Phan Thị Thu Lan, Đoàn Nữ Trúc Vân. Từ đó đến nay, đất Khánh Hòa mới lại xuất hiện một ngôi sao điền kinh như Trần Nhật Hoàng.
Ba năm sau cú ra mắt ngoạn mục với người hâm mộ, Nhật Hoàng vẫn tràn đầy sức sống và tiềm năng phát triển.
Ở Giải vô địch quốc gia hồi tháng 12-2021, dù gặp vấn đề với gót chân Achilles nhưng anh vẫn xuất sắc giành HCV 400m nam với thành tích 46,96 giây. Con số này tuy chưa sánh được với thành tích của Hoàng tại SEA Games 2019 (46,56 giây) nhưng vẫn rất đáng khen trong điều kiện anh đang có dấu hiệu chấn thương.
“Sau đó tôi đi chụp MRI và mọi thứ hiện đã ổn. Mục tiêu sắp tới của tôi không chỉ là việc giành HCV SEA Games, tôi muốn vượt qua kỷ lục 45,99 giây mà anh Quách Công Lịch tạo ra dù biết kỷ lục này sẽ rất khó phá. Nhưng tôi đã nỗ lực rất nhiều thời gian qua để tiến bộ. Tết rồi tôi không về nhà mà ở lại Nhổn để tập trung giữ phong độ. Tôi thậm chí không dám ăn những món dầu mỡ ngày Tết.
Hai năm qua do không có giải đấu lớn nào để thử sức nên cũng khó đánh giá được phong độ thực sự của mình. Cả về đối thủ cũng vậy, có rất ít thông tin, nên tôi chỉ biết nỗ lực được chừng nào hay chừng nấy”, Trần Nhật Hoàng chia sẻ.
TTO - VĐV, HLV, cán bộ đoàn thể thao Việt Nam và các đoàn ở Đông Nam Á sẽ được hưởng chế độ tiền ăn, ở là bao nhiêu trong quá trình tham dự SEA Games 31?
Xem thêm: mth.79982043172402202-ert-iout-eht-ihk-gnab-13-semag-aes-ned/nv.ertiout