Tại buổi thông tin về hoạt động ngân hàng trong quý 1, diễn ra vào chiều 31-3, Tuổi Trẻ Online đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết về tình hình "sức khỏe" của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB) hiện nay, sau hơn 6 tháng giám sát đặc biệt ngân hàng này.
Đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước trả lời, trước diễn biến bất lợi và cấp bách của hệ thống xảy ra ở Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và triển khai kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai các giải pháp để góp phần ổn định tâm lý thị trường và ổn định hệ thống. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước thành lập ngay ban kiểm soát để kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng SCB.
"Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và tháo gỡ cho Ngân hàng SCB, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến nay, hoạt động của Ngân hàng SCB trong tầm kiểm soát và ổn định" - đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về nội dung này, tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho hay đến nay Ngân hàng SCB hoạt động bình thường trong điều kiện kiểm soát đặc biệt. Tiền gửi của người dân vẫn đang tiếp tục được bảo vệ, với tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.
Trước đó, ngày 15-10-2022, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.
Người dân phản ánh chủ yếu vay vốn phải mua bảo hiểm
Liên quan đến việc một số nhân viên ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm, tại họp báo trên, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết việc bảo hiểm là tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Không được bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm.
Thực tế, từ tháng 2 đến nay, thông qua đường dây nóng, tiếp nhận đơn thư và tiếp công dân, Ngân hàng Nhà nước nhận được khá nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến tham gia bảo hiểm.
"Các kiến nghị, phản ánh tập trung chủ yếu vào vấn đề khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng thì phải mua bảo hiểm. Trường hợp không mua bảo hiểm thì phải chịu lãi suất cao.
Khách hàng gửi tiết kiệm thì được tư vấn gói an tâm đầu tư, không được tư vấn rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, khiến khách hàng nhầm lẫn đó là sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng…" - vị này cho hay.
Sau khi tiếp nhận các thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã gửi thông tin cho ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố - nơi có các kiến nghị, phản ánh của người dân trên địa bàn - để làm việc, thanh tra, kiểm tra các chi nhánh của tổ chức tín dụng. Trường hợp phát hiện sai phạm thì xử phạt hành chính và lập hồ sơ gửi về cho Cơ quan Thanh tra giám sát.
Sự việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có thể coi là điểm nóng của năm 2022. Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát đối với ngân hàng này và từng bước duy trì hoạt động ổn định, đồng thời hạn chế những khó khăn cho SCB.
Xem thêm: mth.80920530213303202-taos-meik-mat-gnort-hnid-no-gnod-taoh-bcs-gnah-nagn/nv.ertiout