Tài liệu dài 42 trang có tên gọi chính thức là Khái niệm Chính sách Đối ngoại của LB N. Nó đưa ra những thay đổi đối với quan điểm của Nga về thế giới - đặc biệt là mối quan hệ ngày càng đối đầu với phương Tây.
Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, nội dung học thuyết được công bố ngày 31-3, sau khi Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt.
Phiên bản trước đó của Khái niệm Chính sách Đối ngoại của LB Nga được thông qua vào tháng 11-2016.
Đáp trả phương Tây tương xứng
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu qua một số điểm đáng chú ý của học thuyết, trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga cùng ngày.
Ông giải thích "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine" đã mở ra "những thay đổi mang tính cách mạng" trong các vấn đề thế giới, mà giờ đây cần được phản ánh trong học thuyết đối ngoại của Nga.
Ngoại trưởng Nga khẳng định nước này sẽ có "các biện pháp tương xứng và phi tương xứng để đáp trả các hành động không thân thiện chống lại Nga". Ông Lavrov cũng cho rằng phương Tây đang cố gắng "làm suy yếu nước Nga bằng mọi cách có thể".
Học thuyết, thứ được ví như một sổ tay thực tế dành cho các nhà ngoại giao Nga, chỉ đích danh Mỹ là mối đe dọa chính đối với sự ổn định quốc tế và là động lực của "đường lối chống Nga".
Matxcơva nhấn mạnh sẽ chú ý đến việc "vô hiệu hóa các mối đe dọa an ninh" từ các quốc gia châu Âu và NATO không thân thiện.
Tuy nhiên tài liệu cũng nói rằng Matxcơva tìm kiếm "sự chung sống hòa bình" và "sự cân bằng lợi ích" với Washington. Nga sẽ cố gắng duy trì "sự ổn định chiến lược" với Mỹ - ám chỉ các cơ chế kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của hai nước.
Học thuyết đối ngoại thúc đẩy thế giới đa cực
Trong phần nói về đảm bảo an ninh, học thuyết khẳng định Nga "có thể sử dụng quân đội để bảo vệ hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công vào chính mình hoặc các đồng minh", theo Tass.
Matxcơva sẽ tìm cách đảm bảo an ninh như nhau cho tất cả các quốc gia, nhưng chỉ trên cơ sở nguyên tắc "có đi có lại". Nga cũng sẽ phát triển hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự với các đồng minh để tăng cường an ninh khu vực.
Đáng chú ý, học thuyết cũng cho biết Nga đang đẩy mạnh quá trình đăng ký trong khuôn khổ luật pháp quốc tế về biên giới quốc gia và quyền tài phán đối với các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát.
Hồi năm 2014 và tháng 10-2022, bất chấp sự phản đối của nhiều nước, Nga đã tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea cùng bốn khu vực khác của Ukraine. Phương Tây đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt và nhấn mạnh sẽ không thừa nhận các vùng đất này thuộc Nga.
Về quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ với phương Tây, học thuyết khẳng định Nga không tự xem mình là kẻ thù của phương Tây.
Sự phát triển của luật pháp quốc tế, theo Matxcơva, phải tính đến thực tế của một thế giới đa cực. Ưu tiên của Nga sẽ là loại bỏ "sự thống trị" của Mỹ và các quốc gia không thân thiện khác trong các vấn đề thế giới.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev chỉ trích Mỹ mới là nhà độc tài lớn nhất thế giới và cho rằng Washington đã đánh giá thấp sức mạnh hạt nhân của Matxcơva, vốn có "đồ chơi để tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào".
Xem thêm: mth.28243800213303202-agn-auc-iom-iaogn-iod-teyuht-coh-teyud-nitup-gno/nv.ertiout