Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 31.3 đã ký quyết định kéo dài thời gian hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kể từ ngày 1.4.2023 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ quyết định mô hình hoạt động chính thức.
Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Phối hợp các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có tờ trình kiến nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm.
Theo UBND TP.HCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm là mô hình mới, được Thủ tướng cho phép TP.HCM thí điểm từ tháng 12.2016, kéo dài 3 năm. Đến ngày 1.4.2020, Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian thí điểm thêm 3 năm.
Qua 6 năm, UBND TP.HCM đánh giá Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã bước đầu định khẳng chủ trương đúng đắn về thành lập mô hình cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, vì là mô hình thí điểm nên cơ quan này gặp nhiều khó khăn do vướng quy định của luật An toàn thực phẩm, luật Xử lý vi phạm hành chính.
Để cơ quan này hoạt động xuyên suốt, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian thí điểm của Ban Quản lý an toàn thực phẩm từ ngày 1.4.2023 cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Ngoài ra, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 51/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, UBND TP.HCM cũng để xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn quản lý về an toàn thực phẩm.
Cơ quan này trực thuộc UBND TP.HCM, có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật vi phạm hành chính và an toàn thực phẩm. Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi thành phố.
Hiện mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm đang được thí điểm tại TP.HCM, Đà Năng và Bắc Ninh.